Lo nông sản bị tắc nghẽn do dịch Covid-19, Bộ NNPTNT mong hải quan kéo dài thời gian làm việc

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 06/05/2021 16:27 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT vừa có Công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp đề xuất rà soát một số chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, ưu tiên tháo gỡ những điểm nghẽn về vốn, logistics.
Bình luận 0

Đề xuất hải quan, kiểm dịch làm việc ngoài giờ để tránh ùn tắc hàng hóa ở cảng, cửa khẩu

Theo Bộ NNPTNT, dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của ngành, trong năm 2020, dịch Covid-19 vẫn tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hiện hữu.

Điển hình như việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp. 

Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn nên áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. 

Bộ NNPTNT mong hải quan làm việc ngoài giờ, tránh tắc nghẽn nông sản ở cửa khẩu - Ảnh 1.

Các ngành chức năng của tỉnh Hải Dương vào cuộc tiêu thụ nông sản cho nông dân khi dịch Covid-19 bùng phát ở địa phương.

 Trong khi đó, hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản. 

 Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề xuất một số chính sách và giải pháp hỗ trợ để tổng hợp và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành.

Theo đó, Bộ NNPTNT phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm gia súc, gia cầm.

Triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp (trực tuyến), đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.

Phối hợp với các cơ quan thương vụ, ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh (đặc biệt là thị trường Trung Quốc). 

Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

 Có ý kiến để các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.

Bộ NNPTNT mong hải quan làm việc ngoài giờ, tránh tắc nghẽn nông sản ở cửa khẩu - Ảnh 2.

Dù dịch Covid-19 tác động nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt kết quả khả quan, trong đó xuất khẩu gạo tiếp tục lập những kỷ lục mới. Ảnh: I.T

Đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp. 

Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; Giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng về hải quan, kiểm dịch xem xét kéo dài thời gian làm việc trong ngày, tổ chức làm ngoài giờ, để hỗ trợ thực hiện cấp phép, thông quan hàng hóa, tránh tắc nghẽn tồn đọng lâu ngày tại cảng gây ra tốn kém chi phí lưu container, lưu bãi và chi phí cắm điện bảo quản lạnh tại cảng, cửa khẩu.

Bộ NNPTNT mong hải quan làm việc ngoài giờ, tránh tắc nghẽn nông sản ở cửa khẩu - Ảnh 3.

Khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, có hiện tượng nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: I.T

Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất; kích hoạt các gói tín dụng trả chậm. 

Bộ NNPTNT cũng đề nghị Bộ Tư pháp tập trung rà soát nội dung liên quan đến chính sách miễn giảm thuế; miễn giảm một số loại phí, lệ phí; miễn giảm tiền thuê đất; miễn giảm lãi vay; gia hạn nợ; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ thiệt hại; hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Mặc Covid-19, nông nghiệp vượt khó

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và thế giới nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực, được thế giới đánh giá cao; 

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ được đề ra tại các Nghị quyết số: 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020; các Quyết định số: 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020.

Bộ NNPTNT mong hải quan làm việc ngoài giờ, tránh tắc nghẽn nông sản ở cửa khẩu - Ảnh 4.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,54 tỷ USD. Ảnh: I.T

Nhờ vậy, năm 2020, sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn đạt được kết quả khả quan 

Kết quả, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,68%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn khoảng 43 triệu đồng/người.

Sản lượng lúa đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, giá gạo xuất khẩu được nâng cao từ bình quân 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.

Diện tích cây ăn quả đạt 1,1 triệu ha, tăng 40.000 ha so với năm 2019; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long, cam, bưởi,... ) sản lượng tăng từ 4 - 9% so với năm 2019.

Chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học.

Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%.

Hai là, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid19.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,54 tỷ USD, duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo); thặng dư thương mại ước đạt 10,7 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem