Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội"

PVCT Thứ sáu, ngày 06/11/2020 18:57 PM (GMT+7)
Trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thẳng thắn xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội vì chậm tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo Nghị quyết 56 của Quốc hội.
Bình luận 0

Chiều nay (6/11), trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về nguyên nhân và trách nhiệm của việc chậm ban hành văn bản theo Nghị quyết 56 của Quốc hội ( về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) để làm cơ sở cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

"Với tư cách cá nhân Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh Quốc hội).

Khối lượng công việc của Bộ Nội vụ rất lớn

Trước khi trả lời vào nội dung câu hỏi của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thẳng thắn: Trước tiên, với tư cách cá nhân Bộ trưởng Bộ Nội vụ tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo Nghị quyết 56 của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng để thực hiện Nghị quyết 56 của Quốc hội, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến nay, riêng về mặt sắp xếp tổ chức các cơ quan hành chính phải trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tiếp đến là sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời cũng tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 653 về việc sắp xếp đối với các đơn vị hành chính đạt dưới 50% các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. 

Để thực hiện được những vấn đề này, Bộ Nội vụ phải trình Chính phủ ban hành 6 nghị định, trong đó Nghị định 101 để thay thế Nghị định 123 về tổ chức cơ quan thuộc bộ và cơ quan ngang bộ. Nghị định 47 thay thế Nghị định 10 về tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ. Hai nghị định rất quan trọng và mất nhiều thời gian, đó là Nghị định 107 thay thế Nghị định 24 về cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Nghị định 108 về cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nghị định 34 về sắp xếp lại tổ chức cán bộ, công chức ở cấp xã và Nghị định 120 về việc tổ chức, hình thành, hợp nhất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Trong khoảng thời gian này, xin thưa đại biểu Quốc hội còn phải cụ thể hóa một số luật, nghị định khác. Như vậy, riêng về Nghị quyết 653, trong vòng 8 tháng Bộ Nội vụ phải tham mưu và thẩm định trình Quốc hội ban hành việc sắp xếp đơn vị hành chính của 43/45 tỉnh, với tổng số giảm hơn 500 xã và 6 huyện. Dự kiến sắp tới đây còn Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh chúng ta tiếp tục sắp xếp nữa sẽ giảm thêm được 2 huyện và 10 xã. Khối lượng công việc rất lớn như thế.

Trong phần nợ còn có Nghị định 123 liên quan đến việc tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập, liên quan đến việc thực hiện sắp xếp tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập thì đến nay Thủ tướng đã ký . Vậy, đến giờ này dù chậm nhưng tất cả những nghị định để sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết 86 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, không còn thiếu gì quy định về mặt tổ chức nữa", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Giải thích về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc xây dựng các nghị định, các luật trong cùng một thời điểm như thế, nhất là tập trung cho năm 2020, trước ngày 01/7/2020 các luật có hiệu lực lại trùng với đại dịch Covid-19, do đó không tổ chức hội thảo, không tổ chức tọa đàm, không tổ chức khảo sát được nên chậm thời gian.  Đặc biệt là 2 Nghị định 24 và 37 đã trình từ năm 2017 nhưng đã 3 lần họp Chính phủ và 3 lần họp Thường trực Chính phủ, xin ý kiến Bộ Chính trị 2 lần thì Thủ tướng mới ký được nghị định này. "Về công tác tổ chức có liên quan như thế, những nguyên nhân khách quan, chủ quan như vậy", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Tôi rất thông cảm với Bộ trưởng

Cũng trong phần đăng đàn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã có phần trả lời tới vấn đề dư luận quan tâm, đó là biên chế của ngành giáo dục, từ mầm non cho đến phổ thông. Đây là nội dung chất vấn của ĐBQH Cao Thị Giang (Quảng Bình).

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, đây là vấn đề nan giải của Bộ GDĐT.  "Tôi rất cảm thông với Bộ trưởng GDĐT. Trong nhiều lần trả lời chất vấn trước Quốc hội tôi cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT phải làm sao có phương án tổ chức, sắp xếp lại ngay hệ thống giáo dục, xây dựng lại định mức học sinh trên lớp ở từng vùng miền cho phù hợp, nếu không tình trạng biên chế thế này chúng ta khó giải quyết được trong thời gian qua", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, để giải quyết những bất cập, trong năm 2019 và năm 2020, Bộ đã 2 lần trình Chính phủ bổ sung cho 14 tỉnh có dân cư tập trung ở các khu công nghiệp và 5 tỉnh Tây Nguyên, với tổng số là 20.300 biên chế cho giáo dục và y tế. Năm 2020 này tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển những người hợp đồng làm việc trong các cơ sở mầm non bán công chưa chuyển thành viên chức và đối với những người hợp đồng làm ở các cơ sở y tế của xã, thành viên chức y tế. Tiếp tục cho các địa phương chuyển 20.893 người nữa.

"Như vậy, tổng biên chế trong 2 năm vừa qua đối với ngành giáo dục, y tế tăng thêm hơn 41.000 người, được Bộ Chính trị đồng ý cho cộng vào biên chế năm 2015 để chúng ta tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo cải cách hành chính và để thực hiện chủ trương là có học sinh là phải có giáo viên đứng lớp và có người bệnh là có người chăm sóc", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem