Việt Nam trồng lúa giảm phát thải CO2e đầu tiên trên thế giới: Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng lớn (Bài cuối)

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 23/04/2023 11:25 AM (GMT+7)
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL góp phần to lớn trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26, vừa tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người dân và nhiều mục tiêu khác.
Bình luận 0

Đề án phục vụ đa mục tiêu

Về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án cho biết, đây là đề án đa mục tiêu. 

Theo đó, đề án vừa góp phần rất lớn cho Việt Nam trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26, vừa tổ chức lại sản xuất, vừa nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Việt Nam trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới: Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng lớn (Bài 5) - Ảnh 1.

Theo Bộ NNPTNT , Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL phục vụ đa mục tiêu. Ảnh: Huỳnh Xây

Đề án sẽ tranh thủ sự hỗ trợ, tham gia của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, tạo ra một sự liên kết về cơ chế, có nhiều chính sách ưu tiên. Các bên tham gia đều có quyền lợi và nghĩa vụ đi đôi với nhau, tạo nên sự thành công. Đề án cũng nằm trong nội dung thực hiện Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án đặt ra, đó là tổ chức lại sản xuất cho người nông dân theo quy trình canh tác bền vững. Để làm được điều này, trước tiên, nông dân phải vào hợp tác xã (HTX) và nếu không có HTX chắc chắn đề án không làm được. Riêng về vấn đề này, các địa phương vùng ĐBSCL phải có hỗ trợ, tạo điều kiện HTX hình thành và phát triển.  

Khi có HTX, các doanh nghiệp sẽ liên kết với đơn vị này trong khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao (sử dụng lúa giống xác nhận). Về phía các doanh nghiệp, theo ông Nam, rất khuyến khích tham gia để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu.

Ông Nam cho hay, Bộ NNPTNT trong thời gian ngắn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan có những bước đi phù hợp để sớm trình Chính phủ về đề án và sẽ cam kết với Ngân hàng Thế giới là đầu năm 2024 bắt đầu triển khai ở giai đoạn đầu ở những nơi đủ điều kiện, nhất là những vùng đã triển khai dự án VnSAT (khoảng 180.000 ha) trước đó. "Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và nhân rộng, không đòi hỏi quá cao, làm tới đâu phải chắc tới đó" - ông Nam nói.

Khi triển khai đề án, nông dân sẽ tập trung làm theo quy trình sản xuất lúa giảm chi phí, từ đó tính chuyên nghiệp của nông dân sẽ cao lên. Khi được Ngân hàng Thế giới (WB) công nhận là đạt chứng chỉ carbon, thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, bán giá cao hơn, bởi xu hướng thế giới trong thời gian tới sẽ là gạo phải đạt chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới: Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng lớn (Bài 5) - Ảnh 2.

Dự kiến của Bộ NNPTNT về tiềm năng giảm phát thải của 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Hiện nay, xu hướng giảm đất lúa ngày càng nhiều, sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Do đó, theo ông Nam, khi đề án làm tốt, chắc chắn niềm tin của người nông dân sẽ cao lên, thiết tha và yêu cây lúa. Có như vậy, diện tích vùng chuyên canh cây lúa ở đồng bằng mới giữ vững theo mục tiêu đặt ra.

"WB nói đây là dự án trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới. Do đó, chúng ta biến lợi thế thành thành quả. Khi thành công, có thể được nhân rộng ra thế giới" - ông Nam nhấn mạnh. 

Kỳ vọng tạo ra hình ảnh mới của ngành lúa gạo ĐBSCL

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng vùng ĐBSCL là kỳ vọng lớn của Bộ, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL.

Việt Nam trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới: Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng lớn (Bài 5) - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đặt nhiều kỳ vọng vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Do đề án tính chất còn khá mới, tiếp cận với xu thế của nền kinh tế xanh, phát thải thấp nên Bộ NNPTNT hết sức cẩn trọng. 

Theo đó, Bộ NNPTNT luôn luôn lắng nghe lấy ý kiến đóng góp từ lãnh đạo các địa phương, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, HTX, chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quan tâm tới ngành hàng lúa gạo ĐBSCL.

Ông Hoan cho rằng, ý nghĩa của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL không phải thay đổi từ lúa chất lượng thấp lên lúa chất lượng cao và không chỉ là vấn đề nâng cao thu nhập của người dân trồng lúa, mặc dù đó là kết quả sau khi đề án được thực hiện tốt. 

"Đề án sau khi được thực hiện tốt là hình ảnh của sự chuyển đổi tư duy lúa gạo, cách sản xuất kinh doanh lúa gạo của ĐBSCL - nơi mà chúng ta đều biết là vựa lúa đóng góp lương thực lớn cho cả nước, đang còn nhiều vấn đề cần phải có hành động quyết liệt hơn" - ông Hoan nói.


Theo ông Hoan, bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã từng nói với ông rằng: "Chúng ta thường hay cân nhắc quá nhiều về cái giá phải thay đổi mà chúng ta ít cân nhắc cái giá nếu chúng ta không chịu thay đổi. Mọi thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi càng khó khăn hơn, thậm chí có thể dẫn tới bế tắc và càng chậm thay đổi thì giá trị của sự thay đổi sẽ càng chồng chất lên".

Và như thế, ông Hoan cho rằng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là một sự thay đổi lớn. Nếu không thay đổi, nông dân ĐBSCL vẫn sẽ tiếp tục trồng lúa, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh lúa gạo và ngành hàng lúa gạo vẫn đứng trong top đầu thế giới.

Nếu đặt vấn đề ngược lại vì sao phải thay đổi, vì hàng triệu người nông dân ĐBSCL vẫn phải tiếp tục gồng gánh hoặc bỏ ruộng vườn để chen chúc ở các khu công nghiệp, khu đô thị. Theo đó, nền nông nghiệp vẫn tiếp tục là nền nông nghiệp đánh đổi với sức khỏe của người nông dân, với cộng đồng, với hình ảnh ngành hàng lúa gạo đâu đó thiếu trách nhiệm với thiên nhiên, sức khỏe của con người, sự đa dạng sinh học.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT phân tích, 100 năm trước, nông dân vùng ĐBSCL trồng lúa khí hậu không khắc nghiệt như bây giờ. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới làm cho việc trồng lúa hiện nay phải khác. Không cần nhiều nhưng phải ngon, phải dinh dưỡng, truy xuất nguồn gốc và gắn được nhãn sinh thái. 

"Khi những kệ hàng gạo đã gắn được nhãn sinh thái đầy rồi, chúng ta muốn đem 1 gói gạo của mình vào đó, đẩy sản phẩm trên kệ đó ra không phải đơn giản. Bởi niềm tin, thói quen, hành vi của người tiêu dùng đã quen với 1 sản phẩm nào rồi thì gỡ ra khỏi tâm trí họ rất khó. Thành ra bây giờ chỉ gỡ bằng một hình ảnh mới mẻ của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL" - Bộ trưởng NNPTNT nói.

Theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, trong thời gian ngắn tới, Bộ NNPTNT sẽ trình Chính phủ phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Sau khi được phê duyệt, Bộ NNPTNT sẽ khẩn trương triển khai thực hiện.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh, Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL khi thực hiện tốt sẽ tạo ra cả một không gian kinh tế nói chung về nông nghiệp. Nó tác động tới những vấn đề về xã hội, thu nhập và cấu trúc của cộng đồng nông thôn trong ngành hàng lúa gạo và những ngành hàng có liên quan.

Đây là một bước phát triển rất lớn, không đơn giản là vùng quy hoạch lúa gạo chất lượng cao mà định hình tư duy làm nông nghiệp mới, có sự lan tỏa. Đề án cũng không mang tính chất kỹ thuật đơn thuần của một ngành hàng lúa gạo mà nó tổng hợp rất nhiều đối tượng cùng tham gia, những giá trị tích hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem