Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thời tiết cực đoan tác động mạnh mẽ đến GTVT
Đây là Diễn đàn thường niên với mục đích thúc đẩy nhận thức chung giữa các nước Châu Á về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải; xây dựng đô thị và cộng đồng an toàn hơn, tốt đẹp hơn và bền vững hơn thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển hiệu quả.
Bắt đầu với ASEAN +4 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mông Cổ), Diễn đàn EST dần dần mở rộng lên đến 25 quốc gia thành viên (Afganistan, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Philippines, Pakistan, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Timor-Leste, Nga và Việt Nam).
Nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Diễn đàn EST là nơi diễn ra các cuộc đối thoại chính sách và bàn luận về chiến lược nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến các thực tiễn tốt nhất, các công cụ chính sách, kỹ thuật liên quan đến giao thông bền vững giữa các quốc gia Châu Á.
Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh vai trò cũng như những đóng góp của Diễn đàn EST vào kết quả thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững toàn cầu thời gian qua; đồng thời bày tỏ những kỳ vọng đạt được tại EST12 lần này.
Trước gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đi lại và số lượng phương tiện giao thông vận tải, nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về phát triển hệ thống giao thông như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, gia tăng nhanh phát thải khí nhà kính từ hoạt động GTVT…"
"Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang tác động mạnh mẽ đến GTVT làm ảnh hưởng đến điều kiện đi lại của người dân", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Thay mặt Bộ GTVT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm phát triển vùng liên hợp quốc về việc tổ chức diễn đàn EST lần thứ 12 với chủ đề "Tiến tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải thông minh và cacbon thấp".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, là một quốc gia đang phát triển, hệ thống giao thông vận tải tại các thành phố của Việt Nam có những đặc trưng riêng như: hệ thống vận tải công cộng chưa phát triển, tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe máy chiếm tỷ trọng lớn, vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Vì vậy, chiến lược phát triển phát triển GTVT của Việt Nam đặt ra mục tiêu: Phát triển hệ thống GTVT theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.
Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế, tìm kiếm sự ủng hộ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển GTVT bền vững để để triển khai, áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong tiến trình đó, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, và các nước phát triển.
Trong diễn đàn khu vực, Việt Nam và các nước ASEAN đã hợp tác với Nhật Bản xây dựng và triển khai thực hiện một cách có hiệu quả Kế hoạch hành động về cải thiện môi trường trong GTVT; Gần đây với sự hợp tác của GIZ, các nước ASEAN đã hoàn thiện Chiến lược phát triển GTVT đường bộ bền vững với môi trường; xây dựng bộ tài liệu hướng đẫn và bộ chỉ tiêu giám sát về phát triển GTVT bền vững lĩnh vực đường bộ.
Đối với phát triển giao thông vận tải tại các thành phố, Việt Nam chủ trương phát triển mạnh hệ thống xe buýt; nhanh chóng đầu tư các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, từng bước tăng tỷ lệ đảm nhận của vận tải khách công cộng tại các thành phố; kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị.
Để đạt được mục tiêu này, trong điều kiện kinh tế xã hội và hạ tầng kỹ thuật như hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, cần tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới.