Bộ trưởng Tài chính nói gì về thất thoát trong cổ phần hoá?
Định giá đất thấp gây thất thoát
Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/5, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, bên cạnh việc đạt được những kết quả thực hiện cổ phần hóa, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt, tiến độ triển khai chậm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, nguồn thu từ cổ phần hóa không đạt yêu cầu. Đơn cử như năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ nguồn thu từ cổ phần hóa là 40.000 tỷ đồng nhưng hết năm chỉ thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng chỉ rõ, việc xác định giá trị doanh nghiệp không chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí.
“Thực tế, một số vụ việc bị hình sự hóa do liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị sử dụng đất như vụ việc tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco)… Đây là những vụ án điển hình”, Bộ trưởng nói.
Do đó, ông Phớc cho hay, việc xác định giá trị doanh nghiệp rất quan trọng.
“Khi tôi làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước có kiểm toán CPH lại 45 doanh nghiệp thì giá trị tăng bình quân là 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất”, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho hay, việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường. Ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị cũng đã khác…
“Đây là lỗ hổng gây thất thoát”, Bộ trưởng cho hay.
Cho thuê đất cũng có kẽ hở
Đối với chính sách cho thuê đất, Bộ trưởng cũng chỉ ra kẽ hở: “Việc nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác… Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát. Chính điều này giết chết nền sản xuất”.
“Nếu như thuê đất hàng năm, khi tái cơ cấu doanh nghiệp, doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá phải tăng năng lực lên để cạnh tranh. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận, địa tô chênh lệch từ đất đai nên doanh nghiệp có thể giải tán công ty, đóng cửa sản xuất đẩy người lao động ra đường và máy móc thiết bị bán rẻ bán tháo”, Bộ trưởng Tài chính nêu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2018, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 60 năm 2018 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác.
Nhưng đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 140 sửa đổi chưa quy định rõ có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không, làm cho địa phương lúng túng khi triển khai.
"Đây cũng là vấn đề cần nhận diện một cách chính xác, đúng cốt lõi vấn đề để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sửa Nghị định 44 về xác định giá đất
Đánh giá công tác thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng cho biết, tình trạng cổ phần hóa năm nay cũng như năm ngoái, không triển khai được bao nhiêu.
Do đó, Bộ trưởng Tài chính đề nghị, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá cần xem xét sửa đổi chính sách. Đó là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp một cách chính xác.
“Đồng thời, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, trong đó giá trị quyền sử dụng đất có tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hay không? Hay giá trị quyền sử dụng đất vì thuê đất hàng năm nên hàng năm doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo mục đích được thuê. Hoặc vấn đề doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá không được chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là vấn đề quan trọng mà chính sách hiện hành nói chưa rõ”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
Nghị định 44 về phương pháp xác định giá đất có quy định 5 phương pháp xác định giá đất. Nhưng 5 phương pháp cho ra 5 kết quả khác nhau, thậm chí 1 phương pháp thặng dư cũng cho ra kết qủa khác nhau vì đầu vào khác nhau, các biến số khác nhau.
“Đây là vấn đề mà Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên môi trường sẽ phối hợp để sửa Nghị định 44”, Bộ trưởng Tài chính thông tin.