Bỏ Vinpearl Air, quyết định sáng suốt và có phần may mắn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Bắt đầu xuất hiện và bùng phát tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, đến thời điểm hiện tại, chỉ sau 3 tháng hoành hành, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu.
Hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ, COVID-19 đang khiến ngành này phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh mẽ nhu cầu đi lại của du khách. Thêm vào đó, hiện tất cả các chuyến bay ra khỏi lãnh thổ đều bị cấm.
Nói với truyền thông, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines cho biết, COVID-19 khiến tích lũy của Vietnam Airlines trong 5 năm qua bốc hơi và hiện hãng này đang thừa khoảng 40 chiếc máy bay khi nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách giảm sốc. Tính tổng cộng, 20.000 lao động ở trong và ngoài nước của hãng đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19.
Cùng chung cảnh khó, chia sẻ với Thủ tướng sáng 12/3, lãnh đạo CTCP Hàng không Vietjet cho biết, doanh thu của hãng đã giảm một nửa trong quý I. Nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra như cơ cấu lại chặng bay, mở thêm đường bay mới tới Ấn Độ..., song kế hoạch cũng tạm dời vì dịch bệnh lây lan. Trước mắt, Vietjet buộc phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến.
Bamboo Airways non trẻ của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng chẳng thể “chạy trời cho khỏi nắng” khi phải lùi kế hoạch bay thẳng Châu Âu. Mới nhất, ngày 19/3, hãng hàng không này còn bị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đòi 179 tỷ đồng tiền nợ quá hạn.
Theo phản ánh của ACV, mặc dù đã thường xuyên có văn bản đốc thúc, yêu cầu Bamboo Airways thanh toán nợ theo đúng quy định tại hợp đồng đã ký, tuy nhiên, Bamboo Airways liên tục chậm thanh toán so với hợp đồng đã ký kết và đang nợ tiền dịch vụ.
Trong cuộc họp của Bộ GTVT về ảnh hưởng của dịch cúm COVID -19 đến các lĩnh vực GTVT mới đây, Bộ GTVT đã đưa ra con số dự báo thiệt hại ban đầu của các hãng hàng không là khoảng 30.000 tỷ đồng. Cần nhớ rằng, chỉ trước đó khoảng nửa tháng, con số này được dự báo mới ở mức 25.000 tỷ đồng và trước đó nữa là 10.000 tỷ đồng. Thế mới thấy sức tàn phá của dịch COVID-19 gây ra tăng tốc ghê gớm đến mức nào.
Trên cơ sở số liệu vận chuyển cập nhật, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá trường hợp khả quan nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với năm 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ).
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019. Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).
Tuy nhiên, với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh trong thời gian gần đây, đặc biệt khi tốc độ lây lan chóng mặt thì thiệt hại của ngành Hàng không Việt Nam gây ra bởi COVID-19 sẽ còn lớn hơn nữa.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hiện đang đứng trước muôn vàn khó khăn và hàng không lâu nay vẫn là một cuộc chơi dài hơi và tốn kém, do vậy mà ngẫm lại mới thấy, bỏ Vinpearl Air là một quyết định sáng suốt và có phần may mắn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trước đó, vào ngày 14/1/2020, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây xôn xao trong giới đầu tư khi chính thức công bố dừng dự án Vinpearl Air, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.
Thời điểm ấy, đại diện doanh nghiệp này cho biết, thị trường Hàng không Việt Nam nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng đang có các công ty lớn tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, vì vậy cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp.
Đây không phải là lần đầu người giàu nhất Việt Nam đưa ra các quyết định "cắt lỗ" quyết đoán. Các quyết định dứt khoát của ông sau này thực tế đều chứng minh là đúng đắn, có thể xuất phát bởi năng lực quản trị chuyên nghiệp của hệ thống tổ chức VinGroup hoặc bởi linh cảm kinh doanh trời phú của một doanh nhân lão luyện.
Có thể kể tới một quyết định khác của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng từng gây xôn xao là việc dừng cuộc chơi trong lĩnh vực thương mại điện tử bằng việc đóng cửa Adayroi, sáp nhập vào VinID vào hồi cuối năm 2019.
Trước nữa là các quyết định "cắt" các dự án Tập đoàn Tài chính Vincom, Bảo hiểm Vincom, Ngân hàng Vincom, Chứng khoán Vincom hồi cuối thập niên trước...
Dẫu là một doanh nhân đầy bản lĩnh, nhưng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp cùng khó khăn chung thì doanh nghiệp của vị tỷ phú này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt là thông báo tạm hoãn chặng đua F1 Hà Nội nhằm đảm bảo an toàn cho người dân được ban hành vào ngày 13/3 vừa qua của Công ty Việt Nam Grand Prix (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Bản thân ông Vượng cũng đã phải rời khỏi Top 200 những người giàu nhất hành tinh do tạp chí Forbes bình chọn, tuy nhiên khó khăn này không ảnh hưởng đến cái “tâm” và cái "tầm" của vị doanh nhân này.
Tập đoàn Vingroup dưới sự điều hành của ông Phạm Nhật Vượng đã liên tục có nhiều biện pháp hỗ trợ Chính phủ, doanh nghiệp cũng như những lao động của tập đoàn vượt qua đại dịch, điển hình là tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch bệnh, dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại của Vincom Retail hay đóng góp kinh phí, hỗ trợ 5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Mới đây nhất, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn âm thầm thuê Dreamliner 787 đưa người Ukraine bị kẹt vì COVID-19 ở Việt Nam về nước. Hành động tốt đẹp nhưng được thực hiện theo cách lặng lẽ này, càng khiến dư luận cảm phục vị tỷ phú này.