'Bối rối' với báo cáo tài chính của VEAM, "lận đận" mục tiêu chuyển sàn

07/09/2020 16:50 GMT+7
Mục tiêu chuyển sàn ngay trong năm 2020 này của VEAM nhiều khả năng “phá sản” khi kiểm toán viên đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ về một số vấn đề của doanh nghiệp tại báo cáo tài chính (BCTC) soát xét 6 tháng đầu năm 2020.

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) soát xét 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, lợi nhuận của VEAM giảm sâu vì 'hụt' cổ tức

Lợi nhuận của VEAM giảm sâu vì 'hụt' cổ tức

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của VEAM giảm so với cùng kỳ với lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.277 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ. Chủ yếu bởi phần lãi từ đầu tư công ty liên kết nửa đầu năm nay giảm 42%, chỉ đạt 1.936 tỷ đồng.

VEAM có 8 công ty liên kết, một nửa trong số này báo lãi nửa đầu năm nay. Đáng chú ý, Ford Việt Nam kỳ này cũng báo lỗ. Kiểm toán viên cũng cho biết thêm công ty liên kết Golden City – CKV cùng một số khoản đầu tư góp vốn khác như Mekong Auto, Năm sao Hà Nội, VEAM Korea Corp đều không thu thập được báo cáo tài chính nửa đầu năm.

VEAM đang nắm giữ vốn góp tại Honda Việt Nam, Ford Việt Namvà Toyota Việt Nam. Lợi nhuận hàng kỳ của VEAM phụ thuộc nhiều vào thời điểm quyết định chi trả cổ tức của những doanh nghiệp được ví như "con gà đẻ trứng vàng" này.

Cập nhật mới của VEAM tại báo cáo soát xét bán niên, công ty cho biết Ô tô Toyota sẽ nhận khoản cổ tức 876,2 tỷ đồng trong khoản cổ tức tổng cộng 4.381 tỷ đồng của liên doanh theo quyết định ban hành ngày 30/6/2020.

'Bối rối' với báo cáo tài chính của VEAM, "lận đận" mục tiêu chuyển sàn - Ảnh 2.

VEAM từng "phá sản" mục tiêu chuyển sàn trong năm 2019 do không đảm bảo điều kiện “không có các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề liên tiếp”.

Kiểm toán 'bối rối' với báo cáo tài chính của VEAM, "lận đận" mục tiêu chuyển sàn

Nhắc đến VEAM, ngay từ năm 2019 sau khi thay kiểm toán ngoại vào soát xét, VEAM lộ một loạt vấn đề quan trọng về tài sản, đặc biệt là khoản tồn kho hơn nghìn tỷ từ Thành Công.

Đến năm nay, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020 của VEAM do Công ty kiểm toán VACO thực hiện tiếp tục đưa ra ý kiến kết luận ngoại trừ với 3 cơ sở cùng 3 vấn đề cần nhấn mạnh.

Đầu tiên phải kể đến khả năng thu hồi các khoản phải thu về hỗ trợ vốn và lãi phát sinh với trị giá 126,6 tỷ đồng của VEAM (bao gồm giá trị vốn và lãi phát sinh tương ứng 91,5 tỷ đồng và trên 35,1 tỷ đồng).

Theo công ty kiểm toán VACO, do không thu thập được các bằng chứng đảm bảo tính đầy đủ và thích hợp nên công ty kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi, hay điều chỉnh các khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất hay không.

Ý kiến ngoại trừ số 2 liên quan đến một số mặt hàng chậm luân chuyển có giá trị 1.175,5 tỷ đồng. Trong đó, 63,4 tỷ đồng tại văn phòng Tổng công ty và 1.111,1 tỷ đồng tại Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hoá - cũng không được VEAM đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Hiện số hàng hoá này đã được trích lập dự phòng 214,7 tỷ đồng.

"Với các bằng chứng thu thập được không đủ để đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của số hàng tồn kho nói trên. Do đó, chúng tôi không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn hay điều chỉnh các khoản mục khác có liên quan hay không", đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ.

Cuối cùng là khoản chi phí trả trước trị giá gần 288,9 tỷ đồng của CTCP vật tư thiết bị toàn bộ, tăng gần 12,6% so với thời điểm 31/12/2019 bao gồm phí khấu hao, lãi vay và một số khoản chi phí khác được vốn hoá của nhà máy sắt xốp. Đối với vấn đề này kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ do không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về giá trị của khoản chi phí này.

Do đó, công ty kiểm toán không thể đánh giá được liệu có cần thiết phải điều chỉnh khoản chi phí trả trước dài hạn và các khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính giữa niên độ hay không.

Ngoài ra, việc ghi nhận doanh thu, giá vốn của nghiệp vụ bán 450 xe Mighty năm 2017 vào báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018, dù thời gian bàn giao lô hàng là năm 2019, từng được Deloite xác định đây là bút toán "không phù hợp với chuẩn mực kế toán" báo cáo kiểm toán năm 2019.

Tuy nhiên, theo báo cáo soát xét bán niên năm 2020, đây là nội dung nằm trong vấn đề khác. VACO nhận định vấn đề xảy ra trong quá khứ này không còn ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán năm 2020, chỉ ảnh hưởng đến số liệu so sánh trên báo cáo kết quả kinh doanh.

VEAM tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) vào cuối tháng 8/2016. Ðến tháng 7/2018, Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM và kế hoạch chuyển sang sàn HoSE cũng được rục rịch chuẩn bị ngay sau đó. Tuy nhiên, nhiều lực cản xuất hiện khiến cho mục tiêu chuyển sàn của VEAM không đạt được trong năm 2019.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa qua, ban lãnh đạo VEAM tiếp tục dự kiến VEA có thể sẽ niêm yết trên sàn HNX trong năm nay thay vì sàn HoSE. Thế nhưng, việc đầu tiên cần giải quyết là xóa bỏ tất cả các ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính soát xét bán niên tới nay vẫn chưa được thực hiện. Bởi các kết luận của kiểm toán viên trong báo cáo tài chính bán niên 2020 kể trên dự kiến sẽ tác động trực tiếp đến khả năng chuyển sàn của cổ phiếu VEA khi điều kiện niêm yết của sàn HNX và HOSE đều là tuân thủ quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính. 

Nhật Minh
Tags:
Cùng chuyên mục