Bức tranh kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 có thực sự sáng sủa?

06/08/2020 11:30 GMT+7
Ngành dịch vụ Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong tháng 7, nhưng với tốc độ chậm lại so với hồi tháng 6 khi lượng đơn hàng xuất khẩu vẫn tăng yếu và các công ty tiếp tục sa thải công nhân.
Bức tranh kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 có thực sự sáng sủa? - Ảnh 1.

Đơn hàng xuất khẩu suy yếu là nguyên nhân khiến PMI dịch vụ tháng 7 của Trung Quốc giảm so với hồi tháng 6

Chỉ số quản lý thu mua PMI khu vực dịch vụ theo khảo sát của Caixin / Markit đã giảm từ mức 58,4 hồi tháng 6 xuống 54,1 trong tháng 7. Mức này vẫn phản ánh sự tăng trưởng trong hoạt động ngành dịch vụ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhưng mức tăng trưởng đã thụt lùi đáng kể

Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS đã công bố dữ liệu PMI phi sản xuất, tức chỉ số quản lý thu mua của ngành dịch vụ và xây dựng đạt 54,2 trong tháng 7, giảm từ mức 54,4 hồi tháng 6. Trong khi PMI phi sản xuất của NBS chủ yếu thống kê các doanh nghiệp lớn tiêu biểu của ngành, PMI dịch vụ trong khảo sát của Caixin / Markit lại phản ánh nhiều hơn sức khỏe của các công ty vừa và nhỏ.

PMI được xem là phong vũ biểu phản ánh sự tăng trưởng của các ngành sản xuất và dịch vụ. Việc PMI dịch vụ của Trung Quốc vẫn trong lãnh thổ mở rộng vào tháng 7 phản ánh sự phục hồi trở lại của ngành sau sự bùng phát dịch Covid-19, khi tăng trưởng GDP quý II trở lại mức 3,2% sau thời điểm giảm xuống mức -6,8% thấp nhất trong nhiều thập kỷ. 

PMI dịch vụ tháng 7 giảm so với tháng 6 cho thấy hoạt động kinh doanh xuất khẩu đang suy yếu do đại dịch tiếp tục bùng phát và tấn công mạnh mẽ vào các nền kinh tế trên toàn cầu, kéo theo nhu cầu giảm mạnh. Trong khi đó, lượng việc làm tiếp tục bị thu hẹp. Thước đo việc làm trong nước vẫn đang nằm trong lãnh thổ tiêu cực 6 tháng liên tiếp khi một số công ty tiếp tục sa thải công nhân do triển vọng đơn hàng yếu.

Bên cạnh nhu cầu quốc tế suy giảm, nhu cầu trong nước yếu ớt cũng gây áp lực lên sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kể từ sau sự bùng phát đại dịch, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã định hướng Trung Quốc sẽ lấy thị trường nội địa, bao gồm tiêu dùng và công nghệ trong nước làm động lực phát triển trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung ngày một tăng lên. 

Hồi tuần trước, Bộ chính trị Trung Quốc cũng thông qua Chiến lược lưu thông kép, trong đó hàm ý không quay lưng với thị trường quốc tế nhưng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước để định hướng các chính sách kinh tế trong thập kỷ tiếp theo. 

Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều trở ngại để thiết lập thị trường tiêu dùng bền vững, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày một suy yếu. Thống kê của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) trong nửa đầu năm 2020 cho thấy tổng doanh số bán lẻ, bao gồm cả cho tiêu tiêu dùng và mua sắm chính phủ đã giảm mạnh 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 17,2 nghìn tỷ NDT (tương đương 2,4 nghìn tỷ USD).

Chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người giảm 5,9% xuống còn 9.718 NDT trong nửa đầu năm, tức chỉ đạt 13,6 nghìn tỷ NDT trên tổng dân số 1,4 tỷ người. Con số này đạt chưa đầy 30% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Fu Peng, nhà kinh tế trưởng từ công ty môi giới chứng khoán Đông Bắc nhận định trong 6 tháng đầu năm, sức tiêu thụ của người dân Trung Quốc thấp hơn nhiều so với khả năng sản xuất của nước này. “Người dân khó tăng mức chi tiêu do áp lực từ các khoản nợ tín dụng cùng triển vọng thu nhập và công việc bất ổn”.

Rất nhiều ngành sản xuất tại Trung Quốc dựa vào thị trường quốc tế để tồn tại. Ví dụ, Trung Quốc sản xuất được 85 triệu chiếc lò vi sóng trong năm 2019. Trong đó, có tới 60 triệu chiếc phục vụ xuất khẩu. Nếu các ngành này chuyển hướng sang phục vụ nhu cầu nội địa, cạnh tranh thị trường sẽ tăng vọt dẫn đến nguy cơ giảm giá hoặc giết chết các doanh nghiệp nhỏ, đưa tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục