Vì sao căng thẳng với Mỹ đe dọa kinh tế Trung Quốc hơn cả làn sóng dịch Covid-19 thứ hai?

18/06/2020 16:03 GMT+7
Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc nhận định rằng mối quan hệ căng thẳng với Mỹ sẽ là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nửa cuối năm 2020.
Căng thẳng với Mỹ là nỗi ám ảnh kinh tế Trung Quốc hơn cả làn sóng dịch Covid-19 thứ hai - Ảnh 1.

Căng thẳng với Mỹ là nỗi ám ảnh kinh tế Trung Quốc hơn cả làn sóng dịch Covid-19 thứ hai

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần phục hồi trở lại sau giai đoạn phong tỏa quốc gia hồi quý I/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp tăng trưởng đều đặn và các chỉ số tiêu dùng dần tăng lên là những tín hiệu tốt báo hiệu sự vực dậy của kinh tế Trung Quốc sau nhiều tháng trời trì trệ.

Nhưng trên toàn cầu, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại đặc biệt là Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc và lan ra 200 quốc gia trên toàn cầu. Thêm vào đó, ổ dịch mới bùng phát tại Bắc Kinh hồi tuần trước sau 50 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới đang thổi bùng lên mối quan ngại về làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ hai.

Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại TS Lombard nhận định: “Không phải làn sóng dịch bệnh tiếp theo, chính căng thẳng My Trung mới là nguy cơ lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc”.

Ngay cả khi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đang có nguy cơ bùng phát tại Trung Quốc, nhà kinh tế học Bo Zhuang vẫn chỉ ra rằng: “Không có hiện tượng sa thải hàng loạt. Tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 đã thúc đẩy thị trường lao động hồi phục mạnh hơn dự báo. Chúng tôi tin rằng Trung Quốc đang trên đà đạt tới mức tăng trưởng 1% trong quý II. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 cho nền kinh tế Trung Quốc ở mức 2%”. Trước đó, hồi quý I, do hệ lụy của hàng loạt biện pháp phong tỏa kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến tăng trưởng -6,8%, mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Nhưng ông Bo Zhuang cảnh báo mối đe dọa trừng phạt của Washington với Trung Quốc về vụ bùng phát dịch Covid-19 cũng như áp đặt dự luật an ninh quốc gia mới với Hồng Kông vẫn còn đó. Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã bổ sung thêm 35 thực thể doanh nghiệp, tổ chức và cả trường học Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế thương mại. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng được cho là đang khởi động một danh sách đen như vậy nhằm trả đũa.

Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc cũng nhận định rằng mối quan hệ căng thẳng với Mỹ sẽ là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nửa cuối năm 2020. “Vấn đề Trung Quốc sẽ là chủ đề quan trọng xuyên suốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới… Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 1 là sợi chỉ duy nhất nối lại quan hệ Mỹ Trung, nhưng thỏa thuận đó giờ đây đang gặp nguy hiểm”.

Trung Quốc gần như đã không hoàn thành các mục tiêu tăng cường nhập khẩu nông sản đã đặt ra trong năm 2020 như nội dung cam kết trong thỏa thuận này, dù kim ngạch nhập khẩu đậu tương đang tăng trưởng mạnh mẽ. Ngay cả các quan chức nông nghiệp Mỹ cũng không kỳ vọng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu nhập khẩu tổng cộng 33,4 tỷ USD nông sản trong năm nay khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa Trung Quốc đang giảm.

Ngay cả khi không có sự bùng phát đại dịch, thì “các mục tiêu này vẫn luôn là một sự khôi hài, không có cách nào đạt được” - một quan chức Mỹ tại Trung Quốc giấu tên cho hay. “Đậu nành Mỹ không thể cạnh tranh với đậu nành Brazil rẻ hơn. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu 36 triệu tấn đậu nành sang Trung Quốc trong năm nay, nhưng bây giờ nếu đạt được mục tiêu 30 triệu tấn, đó vẫn sẽ là kỷ lục”.

Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm xuất xứ Mỹ của Trung Quốc đã giảm mạnh 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm mà mối đe dọa thuế quan trừng phạt của Mỹ tăng cao khiến kim ngạch thương mại rớt xuống mức rất thấp. Sự bùng phát dịch bệnh khiến các quốc gia thực hiện lệnh hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt là một trong những nguyên nhân chính khiến lưu lượng thương mại giảm sâu như vậy.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ gặp quan chức Bộ Chính trị Trung Quốc Yang Jiechi trong cuộc đối thoại tại Hawaii để xoa dịu các căng thẳng đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 


Thùy Dung
Cùng chuyên mục