“Bùng nổ” đầu cơ và dư địa tăng của cổ phiếu cảng biển
Cổ phiếu cảng biển, logistic “bùng nổ”
Điển nhấn trong phiên giao dịch sáng nay phải kể tới nhóm cổ phiếu cảng biển với hàng loạt mã tăng mạnh, thậm chí tăng trần như DVP của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (6,93%), VSC của CTCP Container Việt Nam (4,55%), DXP của CTCP Cảng Đoạn Xá (9,45%), TCL của CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng cộng thêm 3,76% thị giá.
Sắc đỏ hiếm hoi với GMD của CTCP Gemadept bốc hơi 0,36%. HMH của CTCP Hải Minh ( -5,8%).
Đà tăng của nhóm cổ phiếu cảng biển, logistic trong phiên này được tiếp nối từ sự “bứt phá” mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/8. Trong phiên giao dịch ngày 8/8, VSC tăng 6,92%, PHP tăng 9,9%, DVP tăng 6,91%, TCL tăng 6,88%, HAH tăng 6,74%, DXP tăng 9,48%. Cũng trong phiên này, nhiều cổ phiếu cùng dư mua ở giá trần như VSC, HAH, DVP, DXP, PHP, SGP, PDN, CLL, TCL, VOS, VNA.
Cùng với đó, thanh khoản ở nhóm cảng biển hầu hết là lập kỷ lục từ đầu năm 2019. Điều đó cho thấy xu hướng đầu cơ đang khiến dòng tiền dịch chuyển rõ nét. Đơn cử như, GMD khối lượng giao dịch lên tới 3,368,880 cp, VSC (472,550), DVP (275,350 cp) và đều nằm trong Top cổ phiếu có giao dịch đột biến theo thống kê của công ty chứng khoán Kiến thiết.
Nhóm cổ phiếu Cảng biển và logistics bất ngờ bật tăng ấn tượng kỳ vọng về bức tranh tăng trưởng xuất nhập khẩu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung ngày càng leo thang.
Theo một thống kê từ MBS, Việt Nam đang tiếp tục được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi tăng trưởng xuất khẩu tại những mặt hàng vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chi phí nhân công hấp dẫn vẫn tiếp tục thu hút những dòng vốn FDI lớn. MBS dự báo trong 3-5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10%/năm.
“Dù vậy, vẫn có những rủi ro địa chính trị cần phải tính đến. Đáng kể nhất là việc các nhà hoạch định chính sách thương mại Mỹ và giới phân tích đánh giá rằng Việt Nam đang trở thành cổng tuyến xuất khẩu miễn thuế của doanh nghiệp Trung Quốc sang Mỹ. MBS cho rằng dù kết quả kiểm tra thương mại có đúng hay không, vẫn có rủi ro rằng Mỹ sẽ đánh thuế vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, MBS nhận định.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp vẫn chịu áp lực chốt lời khá mạnh sau giai đoạn tăng nóng vừa qua, khiến cho các cổ phiếu NTC, BCM, VRG, SIP, D2D... đồng loạt giảm điểm.
Một chuyên gia chứng khoán nhìn nhận, thời gian vừa qua nhóm cổ phiếu BĐS khu công nghiệp tăng mạnh do có lượng FDI lớn đổ vào khiến cho giá thuê đất tăng cao, xuất hiện dòng tiền đầu cơ đổ vào nhóm cổ phiếu này.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dòng tiền đầu cơ đã rút khỏi nhóm cổ phiếu BĐS khu công nghiệp và sóng đầu cơ đã “lan sang” ngành cảng biển, logistic khi những kỳ vọng về xuất khẩu của Viêt Nam tăng trưởng tốt hơn từ sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. “Và đương nhiên cũng giống như kịch bản của nhóm cổ phiếu BĐS khu công nghiệp, dòng tiền đầu tư vào nhóm cổ phiếu cảng biển cũng sẽ nhanh chóng rút đi sau 1 thời gian tăng nóng”, vị này nhận định.
Triển vọng nào cho cổ phiếu cảng biển?
Trước đó, CTCK MBS từng đưa ra báo cáo đáng giá triển vọng ngành cảng biển. Theo báo cáo, ngành cảng biển đóng vai trò là một hạ tầng logistics quan trọng cho xuất khẩu. Trong năm 2018, khối lượng lưu vận của toàn bộ hệ thống cảng Việt Nam đạt 17,8 triệu TEU, tăng 23% so với năm 2017. Toàn ngành tăng trưởng thuận theo sự tăng mạnh xuất khẩu năm 2018.
Hai khu vực chính là cụm cảng phía Nam và cụm cảng phía Bắc chiếm chủ đạo tỷ trọng lưu vận hàng hóa thông qua cũng như phần lớn tăng trưởng lưu vận trong các năm. Đây là hai cụm cảng quan trọng nhất, cả hai đã lọt danh sách 50 cảng container lớn nhất thế giới, và vị trí trong bảng xếp hạng của hai cụm cảng này sẽ tiếp tục tăng lên khi xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng.
Tuy nhiên, MBS cho rằng, một trong những chướng ngại trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam nằm ở việc các cảng biển trong nước đã đang hết công suất sử dụng, trong khi chiến lược phát triển lại chưa cụ thể, do đó thường xuất hiện vấn đề những cảng có cơ sở hạ tầng tốt đạt toàn dụng công suất, nhưng nhiều cảng biển khác mức độ sử dụng thấp thậm chí còn không có đối tác.
Việc đầu tư tăng công suất tại các cảng biển là vấn đề cấp thiết, ngoài ra Chính phủ cũng định hướng phát triển hệ thống cảng Việt Nam giống như các cảng lớn trên thế giới như Singapore, Trung Quốc,…là phát triển hệ thống cảng nước sâu. Phía Nam có khu vực Cái Mép – Thị Vải và phía Bắc có khu vực Lạch Huyện tại Hải Phòng được lựa chọn trở thành vị trí cảng biển chiến lược, đóng vai trò là một trong cảng trung chuyển lớn trên thế giới.
Các doanh nghiệp cảng biển niêm yết chủ yếu hoạt động tại khu vực Hải Phòng, do đó MBS lựa chọn cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp có khả năng mở rộng tại khu vực này.
Trong các doanh nghiệp niêm yết, MBS không khuyến nghị với các doanh nghiệp vận hành cảng ở thượng nguồn như PHP hay HAH. Đối với PHP, cảng Hoàng Diệu của công ty còn đang được chuyển đổi công năng để xây cầu phục vụ cho phát triển đô thị thành phố. Ngoài ra các cảng khác của PHP nằm ở hạ nguồn có hiệu năng hoạt động không cao.
Chia sẻ về triển vọng cổ phiếu cảng biển trong nửa cuối năm, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, ngành cảng biển nằm trong nhóm ngành hưởng lợi, song hệ thống logistic của Việt Nam tương đối lạc hậu. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh (theo Quyết định 703 ngày 7/6/2019) nhằm giúp tái cấu trúc, phát triển ngành logistic. Đề án này sẽ không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy ngành cảng biển phát triển, mà còn góp phần cải thiện giá cổ phiếu nhóm cổ phiếu cảng biển trong dài hạn.
Cũng trong nghiên cứu của MBS, GMD và VSC là cơ hội đáng để xem xét đầu tư. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của GMD sụt giảm tới 78% so với cùng kỳ năm trước do không ghi nhận khoản chuyển nhượng đầu tư "khủng" như nửa đầu năm 2018, CTCP Gemadept (HOSE: GMD) chỉ báo lãi ròng gần 289 tỷ đồng trong cùng kỳ năm nay. Lãi hợp nhất 348 tỷ đồng.
Tương tự, kết quả kinh doanh của VSC cũng giảm một nửa so với cùng kỳ và chỉ đạt 83 tỷ đồng.