Buộc phải đóng cửa vì dịch Covid-19, các nhãn hàng đồng loạt hủy đơn đặt hàng từ Châu Á
Trong số những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề sau khi khách hàng tuân theo lệnh giới nghiêm ở các nước phương Tây, công ty sở hữu H&M- Hennes & Mauritz AB là ông lớn trong ngành thời trang nhanh chịu đòn đau từ khủng hoảng này. Mô hình kinh doanh của H&M phụ thuộc phần lớn vào khả năng vận chuyển đơn đặt hàng từ nhà máy đến chuỗi cửa hàng bán lẻ trong khoảng thời gian ngắn. Giờ đây, khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu buộc các cửa hàng đóng cửa, H&M phải hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ nhiều đơn hàng từ nhà máy ở Châu Á. Động thái này góp phần trầm trọng thêm sự giảm tốc của ngành sản xuất Châu Á.
Đại diện H&M cam kết rằng nguồn cung ứng lâu dài vẫn sẽ đươc duy trì, nhưng vào tình thế khó khăn như hiện nay, H&M buộc phải hành động nhanh chóng nhất có thể để ngăn chặn thiệt hại tài chính lớn, và ngừng đặt hàng là cách tối ưu nhất hiện nay. H&M cam kết trả đủ chi phí cho khối lượng hàng đang được vận chuyển và sẽ thỏa thuận với bên cung ứng nhằm giảm thiệt hại cho đôi bên.
British Foods PLC, sở hữu Primark với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ khắp Châu Âu, hay chuỗi cửa hàng Peacocks Stores của Anh thuộc EWM Group, cũng đã hoãn và hủy nhiều đơn đặt hàng từ các nhà máy ở Bangladesh. Trước đó, các nhà máy nước này đã sản xuất 14.500 chiếc quần jean nhưng rồi nhận được thông báo không thể nhận đơn đặt hàng do tác động của dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với tổn thất tài chính lớn với các nhà máy Bangladesh. Theo chủ tịch hiệp hội Nhà máy và Xuất khẩu Dệt may Bangladesh, nếu Peacocks Stores không trả đủ cho những đơn đặt hàng trước đó, 4,1 triệu công nhân Bangladesh sẽ mất việc, đồng nghĩa với biến động xã hội lớn mà chính quyền nước này có thể sẽ không thể giải quyết được.
Tập đoàn bán lẻ Marks & Spencer Group PLC của Anh cũng thông báo tới các chuỗi cung ứng sẽ ngừng những đơn đặt hàng sắp đến hạn giao, do Anh thông báo phong tỏa quốc gia để kiểm soát dịch bệnh. Công ty này khuyến nghị các nhà máy không nên tiếp tục thu mua nguyên liệu thô từ chuỗi cung ứng nhằm tránh gây khó khăn hơn cho tất cả các bên liên quan. Marks & Spencer Group PLC tuy vậy hứa hẹn sẽ ủng hộ đối tác và nguồn cung ứng của mình ngay khi có thể.
Aung Myo Hein, chủ tịch hiệp hội dệt may Myamar nói rằng hơn 10.000 lao động trong ngành ở nước này đang có nguy cơ mất việc. Ông khuyến nghị giảm giờ làm của nhân viên nhà máy thay vì họ nghỉ việc.
Ở Malaysia, cho đến tháng 2, các nhà máy vẫn có cái nhìn lạc quan khi bắt đầu nhận được đơn đặt hàng trở lại từ Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ sau đó khiến không riêng khách hàng Trung Quốc mà cả khách hàng Châu Âu và Mỹ cũng đã bắt đầu hủy bỏ đơn đặt hàng. Nhiều nhà máy trong lĩnh vực dệt may có khả năng buộc phải đóng cửa.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng tình hình phong tỏa nhiều quốc gia hiện nay tác động đến kinh tế toàn cầu tệ hơn rất nhiều so với khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Ở thời điểm đó, dù gánh chịu nhu cầu sụt giảm từ khách hàng, doanh nghiệp vẫn có thể giảm giá thành và có những biện pháp khác nhằm duy trì doanh số, từ đó nhà máy vẫn có các đơn đặt hàng. Tuy nhiên hiện nay, do các cửa hàng và trung tâm thương mại bị buộc phải đóng cửa ở hầu hết khắp nơi trên thế giới, biện pháp này không còn khả thi. Theo đó hệ quả tới thương mại sẽ nghiêm trọng hơn. 10% sản lượng xuất khẩu giảm ở các quốc gia như Bangladesh có thể dẫn đến 4-9% tỷ lệ thất nghiệp tăng. Đây là tin xấu với nhà máy ở Châu Á nói riêng và nền kinh tế các quốc gia này nói chung.