Cà phê không đủ để bán dù giá liên tục tăng ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu
Cung không đủ cầu
Theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), ngày 19/9, giá cà phê tại thị trường trong nước tiếp tục tăng từ 300 đến 400 đồng/kg. Cụ thể, tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ, giá thu mua lên mức 65.500-70.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng ghi nhận tăng liên tiếp trong những ngày qua.
"Giá cà phê trong nước và xuất khẩu tăng, giúp giá trị ngành hàng cà phê tăng mạnh từ đầu năm đến nay. 8 tháng năm nay, cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới 38 thị trường khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, cao hơn gần 700 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD", VICOFA thông tin.
Xuất khẩu cà phê của nước ta đạt khoảng 1,78 triệu tấn, thu về 4,06 tỷ USD trong năm 2022, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD. Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil.
Là thủ phủ cà phê cả nước, hiện, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung đang dao động ở mức từ 65.000 đến 68.000 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm qua. Đây là tin vui đối với người nông dân khai thác nguồn lợi từ cây cà phê. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đang là cuối vụ cà phê nên nhiều hộ dân tại địa bàn này chia sẻ không có hàng cung ứng ra thị trường.
"Thời gian qua, nhiều nhà vườn chuyển từ trồng cà phê sang trồng cây ăn quả khác. Nhiều hộ dân có vườn cà phê thâm canh nay cũng được trồng xen canh cây sầu riêng khiến sản lượng cà phê ít lại", một hộ dân tại Đắk Lắk nói.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, giá cà phê thế giới phụ thuộc nhiều vào Việt Nam vì nước ta có nguồn cung lớn thứ hai toàn cầu.
"Thực trạng mất mùa, giảm diện tích trồng cà phê khiến nguồn cung khan hiếm, giá đẩy lên cao là bài toán cần được giải quyết", ông Thông nói.
Theo VICOFA, trước bối cảnh lãi suất cho vay ngân hàng ở mức cao, khả năng tiếp cận tín dụng thu mua bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn để gom hàng nên hiện các doanh nghiệp xuất khẩu không mua trữ cà phê như trước, mà ký hợp đồng tới đâu mua tới đó.
Đơn vị này ước tính, sản lượng cà phê năm nay ước giảm 10-15% do thời tiết không thuận. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê từ nay đến cuối năm vẫn khả quan do cầu tăng, trong khi cung không được cải thiện. Dự kiến, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD.
Để cà phê luôn đạt giá trị bền vững
Việc giá cà phê tăng liên tục là quy luật vốn có của thị trường. Vấn đề cần quan tâm là thay đổi những tồn tại, vướng mắc của ngành cà phê để đạt giá trị bền vững, không bị tác động quá lớn với quy luật này.
Bởi theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam nhận định, giá cà phê ở mức cao có thể không duy trì lâu. Hiện nay, Brazil và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới đã có nguồn cung từ niên vụ mới và đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch cà phê niên vụ 2023/24 vào quý IV năm nay, góp phần bổ sung lượng lớn cà phê cho thị trường.
Vì thế việc nâng cao công tác thống kê và dự báo những dữ liệu trên thị trường cà phê cũng cần được chú trọng và đẩy mạnh trong thời gian tới. Bởi công tác này vẫn còn rất yếu tại Việt Nam, nông dân hay người tham gia vào thị trường thiếu vắng những thông tin chung, khiến họ trở nên dè dặt với những chiến lược mang tính dài hạn và phù hợp với xu hướng thị trường.
Ngoài ra, sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một thách thức. Dòng vốn dồi dào từ các doanh nghiệp FDI, trong khi ít chịu ảnh hưởng hơn bởi biến động lãi suất tại Việt Nam do lợi thế dòng vốn được đầu tư từ nước thứ hai. Điều này đã giúp các đơn vị gom hàng của nông dân sau khi hoạt động thu hoạch diễn ra.
Lãnh đạo VICOFA còn cho biết, vấn đề đặt ra với ngành cà phê là cần chuyển tiếp tục dịch chuyển cơ cấu, nâng chất lượng cà phê, tăng chế biến để nâng cao chất lượng…
Để làm được các việc này, nhiều chuyên gia đầu ngành kiến nghị hỗ trợ giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp trong nhu cầu vay vốn để đầu tư trồng trọt, thu mua và sản xuất. Đồng thời, có nhiều giải pháp hỗ trợ mang tính liên kết các hộ dân, vùng trồng để dễ dàng quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để đảm bảo giá cà phê duy trì ở mức cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thông qua “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt diện tích cà phê đặc sản chiếm 2% tổng diện tích, nghĩa là sản lượng ở mức 5.000 tấn và tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.