Cả tỉnh Lâm Đồng sầu riêng đều chín rộ vào tháng 6, ở đây "một mình một chợ" tháng 10 mới chín

Thứ bảy, ngày 30/03/2024 05:47 AM (GMT+7)
Thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vừa ra mắt một tổ hợp tác mới. Đó là Tổ hợp tác sầu riêng Liên Hồ, với những người nông dân trồng ra những trái sầu riêng thu hoạch muộn của đất Lâm Hà.
Bình luận 0

Anh Nguyễn Huy Đông, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng thôn Liên Hồ chia sẻ, tổ hợp tác vừa thành lập tháng 1/2024. 

Cả tỉnh Lâm Đồng sầu riêng đều chín rộ vào tháng 6, ở đây "một mình một chợ" tháng 10 mới chín- Ảnh 1.

Thành viên THT Sầu riêng Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đang trao đổi về chăm sóc sầu riêng giai đoạn ra hoa.

25 thành viên của tổ đều nằm trong thôn Liên Hồ với diện tích trồng 30 ha. Có gia đình đã có thu nhập từ cây sầu riêng, có gia đình cây còn trong giai đoạn kiến thiết.

Nhưng, tất cả thành viên của Tổ hợp tác đều đang trông đợi và thúc đẩy chăm sóc sầu riêng an toàn, đăng ký mã số vùng trồng, hướng tới một vùng sầu riêng xuất khẩu bền vững.

Bản thân anh Nguyễn Huy Đông, Tổ trưởng cũng đang có 300 cây sầu riêng. Niên vụ sầu riêng 2023, vườn nhà anh thu được vụ bói với 10 tấn trái. 

Anh cho biết, sầu riêng Liên Hồ, xã Liên Hà có đặc thù là thu hoạch rất muộn, sau khi các vùng trồng sầu riêng khác trên địa bàn Lâm Đồng đã thu hoạch gần hết, người Liên Hồ mới bắt đầu hái sầu riêng. 

Anh cho biết: “Bình thường sầu riêng trong tỉnh Lâm Đồng rộ vào tháng 6 tới tháng 8, khi các vùng khác đã thu hoạch xong, tới tháng 10, tháng 11, sầu riêng Liên Hồ mới chín. 

Khi đó, sản lượng sầu riêng trên thị trường cũng giảm, chúng tôi có nhiều hàng để bán, mang lại giá trị kinh tế khá ổn định cho người nông dân”. Cũng vì vậy, những người nông dân thôn Liên Hồ cùng hợp tác, canh tác những cây sầu riêng an toàn, xây dựng vùng sầu riêng thương phẩm chất lượng cao hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Bác Nguyễn Văn Dân, người nông dân thôn Liên Hồ có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cà phê cho biết, tuy năm 2023 - 2024, giá cà phê tăng nhưng tính tổng thể, cà phê vẫn là cây trồng gặp nhiều khó khăn từ chăm sóc, thu hoạch, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Vì vậy, bác Dân cũng như nhiều nông hộ ở Liên Hồ đã chuyển sang canh tác cà phê xen lẫn sầu riêng.

Tuy nhiên, do diện tích đất của từng hộ khá nhỏ, sản lượng ít, bà con nhận thấy, nếu làm ăn riêng lẻ sẽ không thể nâng cao giá trị trái sầu riêng. 

Vì vậy, bác Dân cũng như bà con khác tích cực tham gia vào tổ hợp tác, hướng mục tiêu xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng thôn Liên Hồ.

Bác Nguyễn Văn Dân cho biết: “Nông dân chúng tôi nhiều nhà chỉ có một ha, hai ha trồng sầu riêng, sản lượng của từng gia đình thì rất nhỏ lẻ. 

Bán phục vụ bà con trong tỉnh, trong nước thì không sao nhưng muốn xuất khẩu, trái sầu riêng có đầu ra ổn định, giá cao thì làm riêng lẻ không đạt tiêu chuẩn. 

Vì vậy, những bà con trồng sầu riêng trong thôn đang cùng hợp tác, mục tiêu canh tác bền vững, xây dựng mã vùng trồng. Hiện tại, hầu hết diện tích sầu riêng trong thôn đang ở tuổi bói, bà con đang cắt đọt, tạo tán tròn, nâng cao sản lượng theo đúng hướng dẫn của ngành Nông nghiệp”.

Anh Nguyễn Huy Đông - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Liên Hồ cũng thừa nhận, điểm yếu của bà con trong tổ là kỹ thuật còn chưa cao. Ở những vùng sầu riêng truyền thống khác, bà con có kinh nghiệm canh tác nhiều năm nên chăm sóc sầu riêng rất hiệu quả. 

Nông dân Liên Hồ mới trồng sầu riêng nên về mặt kỹ thuật còn nhiều thiếu sót. 

Đây cũng là vấn đề Tổ hợp tác đang cố gắng giải quyết, tìm nhiều nguồn kỹ thuật, cùng chia sẻ, hướng dẫn nhau để đảm bảo cây sầu riêng phát triển tốt, cho trái ngon, đạt chuẩn xuất khẩu. 

Anh Đông cũng cho biết, chính quyền xã, ngành Nông nghiệp tích cực hướng dẫn cho tổ để thực hiện những yêu cầu trong công tác xây dựng mã số vùng trồng. 

Hiện tại, sầu riêng Liên Hồ mới ra hoa giai đoạn mắt cua, còn rất nhỏ, bà con đang cần hướng dẫn kỹ thuật tránh rụng hoa non, đảm bảo lượng trái đậu đạt chuẩn.

Nông dân vùng đất thôn Liên Hồ, xã Liên Hà đang tích cực tìm đầu ra ổn định cho cây sầu riêng, tránh phụ thuộc vào thị trường nội địa. 

Đây cũng là mục tiêu ngành Nông nghiệp hướng tới, nâng cao giá trị trái sầu riêng Lâm Đồng - anh Bùi Thế Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà cho biết. 

Khi bà con thành lập tổ hợp tác sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật và đặc biệt mới đủ điều kiện về diện tích để xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu. 

Xã Liên Hà rất ủng hộ và đồng hành với bà con nông dân để xây dựng mã vùng trồng, phát huy thế mạnh sầu riêng chín muộn của vùng đất mới.

Diệp Quỳnh (baolamdong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem