Các mô hình kinh tế giảm nghèo, tăng thu nhập là động lực để Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ hai, ngày 01/08/2022 12:01 PM (GMT+7)
Những năm qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Hiện địa phương này đang quyết tâm xây dựng để hướng đến hoàn thành huyện NTM vào năm 2024.
Bình luận 0

Đại Lộc "thay áo mới" nông thôn mới

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, Đại Lộc có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Toàn huyện có 17 xã và 1 thị trấn, trong đó có 9 xã miền núi nên điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện xác định xây dựng NTM không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các cấp, ngành và của toàn dân, tạo cơ hội để thay đổi diện mạo mới cho quê hương.

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhờ tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, đã giúp bộ mặt huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đổi thay diện mạo. Ảnh: Trần Hậu.

Đến nay, huyện Đại Lộc có 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có xã Đại Hiệp đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2020, xã Đại Quang đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021.

Tổng số tiêu chí đạt của các xã trên địa bàn huyện là 298 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt chuẩn cho một xã là 17,53 tiêu chí/xã; 18 thôn được công nhận đạt chuẩn Khu dân NTM kiểu mẫu.

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 2.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ảnh: Trần Hậu.

Theo ông Mẫn, điểm sáng lớn nhất của huyện Đại Lộc sau 10 năm xây dựng NTM là kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 2.

Trường học tại các xã huyện Đại Lộc được xây dựng khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Tuy nhiên, ở một số xã chưa được công nhận NTM hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế. Hiện Đại Lộc đã và đang dành mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư cho 4 xã chưa về đích gồm: Đại Thạnh, Đại Sơn, Đại Chánh, Đại Tân.

Ông Đỗ Thanh Cảng – Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, xã Đại Hiệp được chọn là xã điểm trong xây dựng NTM của huyện Đại Lộc, được sự quan tâm của các cấp, ban ngành và sự đồng thuận của nhân dân Đại Hiệp đã đạt chuẩn xã NTM vào 2014, được công nhận là xã NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Quảng Nam năm 2019.

Đến năm 2020, Đại Hiệp đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, đây vừa là niềm vui lớn, vừa là một thách thức đặt ra cho chính quyền và nhân dân xã Đại Hiệp. Bởi xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu chứ không có kết thúc, xã sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí theo hướng bền vững.

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 3.

Đến nay, huyện Đại Lộc có 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 18 thôn được công nhận đạt chuẩn Khu dân NTM kiểu mẫu. Ảnh: Trần Hậu

Ông Trần Việt Phương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho biết, xác định mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, vì thế, ngoài việc chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, Đại Lộc xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng quy mô đầu tư xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương mang tính hàng hóa mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh quy hoạch các khu công nghiệp giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao đời sống của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

Thời gian qua, Đại Lộc đã thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập.

Dấu ấn các mô hình kinh tế

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết thêm, Đại Lộc xác định phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con nông thôn được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất mà địa phương nỗ lực thực hiện. Đó cũng là thước đo và là động lực trong xây dựng NTM của huyện Đại Lộc.

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 4.

Mô hình chăn nuôi chồn hương của lão nông Trần Chín (xã Đại Nghĩa) có mức lãi trên 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu.

Những năm qua, Đại Lộc tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa giống, đậu xanh giống, ớt lai xuất khẩu, rau sạch....

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 5.

Cánh đồng sản xuất rau VietGap Bàu Tròn với diện tích 23,5ha (xã Đại An). Ảnh: Trần Hậu.

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 6.

Điển hình như cánh đồng sản xuất rau VietGap Bàu Tròn (23,5ha), cánh đồng rau thôn 10 xã Đại Cường (6ha), vùng chuyên sản xuất rau ở các xã Đại Nghĩa, Đại Minh, Đại Phong, Đại Thắng với diện tích quy hoạch 120ha... đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc có 25 trang trại, cùng với khoảng 80 gia trại sản xuất hàng hóa ổn định ở các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, cũng như trồng trọt.

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 7.

Vườn cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Nguyễn Tổng ở xã Đại Minh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Hậu.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo mối liên kết, duy trì, phát triển trại chăn nuôi lợn thịt có sản lượng xuất chuồng 1.000-5.000 còn/năm như Đại Chánh, Đại Tân, Đại Sơn,...; các trang trại chăn nuôi gia cầm cũng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, trên địa bàn huyện có khoảng 13 trang trại chăn nuôi gà, vịt sinh sản có quy mô từ 3.500-20.000 con/năm, khoảng 85 gia trại với quy mô trên 500 con/năm.

Đại Lộc cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, mô hình chuyển giao công nghệ nuôi cá tra, cá lóc, cá chình, cá diêu hồng, cá lăng trên lồng bè,... tại các xã Đại Chánh, Đại Hiệp đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân.

Huyện Đại Lộc nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, là vùng vành đai và cách trung tâm TP.Đà Nẵng 25km về phía Tây Nam, gắn liền với "Đường Trường Sơn huyền thoại". Vì thế, địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là các loại hình du lịch như khu du lịch sinh thái Bằng Am (Đại Hồng), Suối Mơ (Đại Đồng), Khe Lim (Đại Hồng), Đền tưởng niệm Trường An, hồ Khe Tân….

Quảng Nam: Tạo đòn bẩy từ các mô hình kinh tế, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới - Ảnh 8.

Đại Lộc đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

Địa phương đang tập trung quy hoạch, đầu tư các khu công nghiệp dọc tuyến Quốc lộ 14B đoạn từ ngã ba Đại Hiệp đến cầu Hà Nha, để hình thành khu đô thị công nghiệp mang tính đồng bộ cao, khai thác nhu cầu từ TP.Đà Nẵng, xem đây là trục động lực phát triển của huyện Đại Lộc.

Với những cách làm mới, huyện đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, giúp bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới và giàu mạnh. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để đem lại cho bà con nông thôn cuộc sống bình an, yên tâm sản xuất.

Qua rà soát, đánh giá thì đến nay Đại Lộc đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM. Các tiêu chí đạt bao gồm: điện, thủy lợi, sản xuất, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM. Các tiêu chí chưa đạt: quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục và môi trường.

"Xây dựng huyện NTM là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với Đại Lộc trong thời gian đến. Để đạt được mục tiêu trở thành huyện NTM mới vào năm 2024, địa phương còn rất nhiều việc phải làm, nhất là nguồn lực để đầu tư hoàn thành các tiêu chí còn lại. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, tôi tin rằng Đại Lộc sẽ cán đích huyện NTM đúng lộ trình đề ra...", ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem