Các tập đoàn bất động sản Trung Quốc nợ đầm đìa
Hồi tháng 9, chính quyền Trung Quốc công bố quy định "ba lằn ranh đỏ" để ngăn chặn nguy cơ các tập đoàn bất động sản vỡ nợ. Đó là mức trần tỷ lệ nợ tính trên tiền mặt, nợ tính trên tổng tài sản và nợ tính trên vốn chủ sở hữu. Dự kiến quy định này sẽ được áp dụng trên toàn ngành bất động sản Trung Quốc từ ngày 1/1/2021.
Theo CNBC, thông tin Tập đoàn Evergrande (Hằng Đại) của tỷ phú Hứa Gia Ấn nợ tổng cộng 120 tỷ USD và đối mặt với nguy cơ cạn tiền mặt khiến thị trường bất động sản Trung Quốc rúng động hồi tháng trước. Lập tức, hãng S&P Global Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Evergrande từ "ổn định" xuống "tiêu cực".
"Evergrande đối mặt với những thử thách nghiêm trọng bởi gánh nợ quá lớn", S&P Global Ratings nhận định. Nợ ngắn hạn (nợ phải trả trong vòng 12 tháng) của công ty này tính đến ngày 30/6 lên tới 58 tỷ USD.
Mới đây, nhóm chuyên gia của ANZ Research cảnh báo vụ lùm xùm Evergrande khiến giới đầu tư rất quan ngại về sức khỏe tài chính của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc. Theo thống kê của Refinitiv, các công ty bất động sản Trung Quốc vay 46,23 tỷ USD từ trái phiếu hồi năm ngoái, cao gấp đôi năm 2018.
Trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc bị xếp vào loại "rác", nghĩa là có rủi ro vỡ nợ cao. Thống kê của ANZ Research cho thấy doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sẽ phải trả nợ trái phiếu 77,46 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong nước trong năm 2021, cao hơn 16% so với năm nay. Các công ty này cũng sẽ phải trả nợ trái phiếu 50 tỷ USD cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm sau.
Thiếu tiền mặt, các công ty bất động sản Trung Quốc sẽ lại phải phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tuy nhiên, ANZ Research đánh giá quy định "ba lằn ranh đỏ" của chính phủ Trung Quốc sẽ khiến các tập đoàn bất động sản nước này khó tiếp cận nguồn tiền mặt. "Quy định mới sẽ cản trở các công ty bất động sản vay thêm tiền mặt", ANZ Research nhấn mạnh.