Cách nào để Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030?
Đến năm 2025 Việt Nam thuộc nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, đất nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao là một trong những mục tiêu được xác định tại dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Cần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, do đó thách thức phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình là mục tiêu đặt ra cấp thiết.
Tuy nhiên, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì yêu cầu về thu nhập bình quân đầu người phải có xu hướng bắt kịp các nước thu nhập cao, trong đó tăng năng suất là yếu tố quyết định, được thúc đẩy thông qua phát triển công nghiệp, nâng cấp công nghệ, sáng tạo và thể chế.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người người xấp xỉ 4.859 USD, tính theo giá năm 2017) và năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao (GDP bình quân đầu người người xấp xỉ 12.642 USD, tính theo giá năm 2017).
Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, với dân số khoảng gần 100 triệu dân và GDP ở mức 250 tỷ USD, tương đương mức thu nhập bình quân 2.500 USD/người, nếu muốn đạt mức thu nhập trung bình cao 4 nghìn USD/người, tương đương với GDP phải tăng lên là 400 tỷ USD.
Như vậy, Việt Nam cần tăng thêm bình quân 1.500 USD/người nữa để thoát mức thu nhập trung bình thấp. Nếu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6%/năm liên tục, thì phải tới giai đoạn 2029 - 2030, Việt Nam mới đạt mức thu nhập khoảng 4 nghìn USD/người, ngưỡng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam cần tối thiểu 10 năm nữa để tiến lên được mức thu nhập 4 nghìn USD/đầu người. Trong khi thời kỳ dân số vàng của nền kinh tế chỉ còn khoảng 22 năm. Nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì Việt Nam có thể phát huy được tiềm năng tăng trưởng nhanh.
Thực tế 10 năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp hai lần tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Doanh nghiệp công nghệ có thể giúp gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế.
Tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Indonesia, Singapore, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam có khả năng duy trì một tỷ lệ đầu tư rất cao, khoảng 30% trong ba thập kỷ, giúp nền kinh tế có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối lớn; tầng lớp trung lưu ngày càng tăng sẽ giúp gia tăng vốn cho đầu tư cho nền kinh tế; đang có lợi thế trong việc thu hút FDI.
Công nghệ số sẽ giúp Việt Nam vượt bẫy
Trao đổi với Dân Việt về nội dung này, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với điều kiện của Việt Nam thì cần phải làm gì để đạt được những mục tiêu trên là câu hỏi làm đau đầu rất nhiều những chuyên gia kinh tế.
Bởi vì muốn để vượt khỏi mức thu nhập trung bình thấp hiện nay thì chúng ta phải đạt được mức thu nhập trung bình thì mới tiến đến được mức thu nhập trung bình cao.
"Rõ ràng như vậy chúng ta phải nâng cao năng xuất lao động và phải ứng dung khoa học công nghệ, phải thực hiện chuyển đổi số một cách tốt nhất, cả trong sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống xã hội. Từ đó mới nâng cao được năng xuất lao động đầu tư vào hiệu quả kinh doanh, năng xuất lao động cao thì thu nhập của người dân cũng sẽ cao", ông Thịnh nhấn mạnh.
Đăc biệt nếu không ứng dụng công nghệ số, công nghệ sản xuất kinh doanh, không đổi mới tư tưởng về quản lý kinh tế thì khó đạt được mục tiêu trên. Do vậy, Chính phủ phải có những chiến lược dài hơi, hoạch định để đạt được những cột mốc quan trọng trong từng thời điểm.
Bên cạnh đó, để có thể phát triển cân đối và bền vững nền kinh tế trong giai đoạn mới, cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch.
Thực tế, quy hoạch cơ cấu nền kinh tế của nước ta thời gian qua còn yếu, do đó quy hoạch lại nền kinh tế từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch ngành, nghề sẽ giúp tái cấu trúc nền kinh tế hoặc mô hình tăng trưởng của chúng ta gắn chặt với thực tiễn. Từ đó tạo ra sức bật mới.
Đặc biệt, hy vọng khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ phát huy được vai trò của mình, trở thành một động lực mới để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước cũng cần quyết liệt đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, từ đó hiệu quả trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế nhà nước cũng được tăng lên.
Ngoài ra, việc thu hút FDI cũng cần được chấn chỉnh theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; từ đó làm cho hoạt động thu hút FDI đi đúng hướng, góp phần làm cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng bền vững, đạt được mong muốn cũng như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.