Cám cảnh nông dân tự nuôi trồng, tự bán, chuyển giao công nghệ thì phần nhiều "nói trên giấy"

Trần Cửu Long Chủ nhật, ngày 09/04/2023 18:51 PM (GMT+7)
Tại hội nghị gặp gỡ các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn các xã Qui Đức, Hưng Long, Đa Phước do UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của nông dân kêu gọi chính quyền hỗ trợ đầu ra nông sản, nhằm nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Ông Phạm Thanh Minh - thành viên tổ hợp tác (THT) nuôi tôm ở xã Đa Phước phản ánh, thời gian qua, việc kết nối, liên kết tiêu thụ tôm chưa hiệu quả như mong muốn.

Nông dân tự nuôi trồng, tự bán…

Theo ông Phạm Thanh Minh, THT nuôi tôm xã Đa Phước tự nuôi và tự tiêu thụ tôm: "Việc liên kết tiêu thụ tôm chưa thể thực hiện. Ví như, giá tôm trên thị trường là 10 đồng, đơn vị thu mua chỉ mua 8 đồng, tất nhiên nông dân nuôi tôm không thể bán" - ông Minh bức xúc. 

Hiện, ông Minh nuôi hơn 1ha tôm. Ông Minh là 1 trong hơn 20 thành viên THT nuôi tôm của xã Đa Phước. THT này có hơn 20ha nuôi tôm.

Không chỉ phản ánh việc tổ chức đầu ra cho nông sản, ông Minh còn phản ánh về hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nông dân.

 Theo ông Minh, thời gian qua, việc chuyển giao công nghệ cho nông dân phần nhiều "chỉ nói trên giấy", chưa áp dụng hiệu quả trong thực tế. "600ha đất nông nghiệp tại xã Đa Phước chưa sử dụng hết, cỏ mọc um tùm. Nhà nước cần có cơ chế, định hướng trong thực hiện sử dụng đất, thu hút doanh nghiệp về đầu tư. Như vậy địa phương mới phát triển, nông dân sở tại mới có công ăn việc làm" - ông Minh ý kiến.

Nông dân các xã NTM cần hỗ trợ đầu ra - Ảnh 1.

Nhiều nông dân huyện Bình Chánh sản xuất nông nghiệp đang lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Ảnh: Trần Đáng

Nông dân các xã NTM cần hỗ trợ đầu ra - Ảnh 2.

Cùng với ông Minh, ông Trần Văn Cho - nông dân xã Qui Đức đề xuất, chính quyền, cơ quan chức năng phải định hướng nông dân nên trồng trọt hoặc chăn nuôi loại nào phù hợp thổ nhưỡng và đáp ứngnhu cầu thị trường. Đừng để nông dân tự "bơi", tự nuôi trồng, tự bán. 

"Rủ nhau nuôi trồng ào ào mà không có nơi tiêu thụ, rớt giá là chết nông dân" - ông Cho phàn nàn. 

Bên cạnh đó, ông Cho còn cho rằng, nếu vận động nông dân vào tổ hợp tác phải đảm bảo số lượng, giá thu mua sản phẩm. Người đứng đầu THT phải có người đủ trình độ, năng lực để điều hành.

Tìm đầu ra cho nông sản

Nhằm tiếp tục hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát huy được tiềm năng và phát triển bền vững, TP.HCM đã ban hành chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với đặc thù của thành phố, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố trong thời gian tới. 

Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng GRDP bình quân đạt trên 6%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 8,5%/năm; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 90%. Giá trị sản xuất trên ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 900-1.000 triệu đồng/ha/năm. 

Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 100 triệu đồng (gấp trên 1,5 lần so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nông dân tham gia trở thành thành viên HTX nông nghiệp tối thiểu đạt 20% trên tổng số hộ nông dân trên địa bàn thành phố. 80% HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp xếp loại từ khá trở lên.

Tại hội nghị trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phạm Văn Lũy cho biết, nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền địa phương, các HTX và nông dân cần có sự tính toán, trong đó sắp xếp lại từ khâu tổ chức cho đến khâu vận chuyển, tiêu thụ…

Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn phối hợp HTX tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong khả năng, thẩm quyền. Riêng UBND huyện sẽ liên kết với các sở, ngành thành phố nhằm tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm của nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem