Cần biện pháp hành chính cụ thể để bảo vệ khu vực nông nghiệp - nông dân và nông thôn
Cơn bão Yagi và lũ lụt sau bão đi qua đã để lại thiệt hại vô cùng nặng nề tới tài sản của doanh nghiệp và cá nhân tại địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.
Theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính đến ngày 20/9/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, ước tính thiệt hại là khoảng 9.000 tỷ đồng do bão Yagi gây ra.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, hoạt động tín dụng của Agribank và hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay vốn cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Tính đến ngày 26/9/2024, Agribank có tổng số trên 28.200 khách hàng vay bị ảnh hưởng do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến trên 14.600 tỷ đồng, trong đó: Chỉ có 130 khách hàng và 94,77 tỷ đồng tương ứng với 0,65% dư nợ bị thiệt hại được bồi thường do có bảo hiểm, còn lại 99,35% dư nợ bị thiệt hại chưa có bảo hiểm.
Riêng địa bàn Quảng Ninh có đến 4.512 khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 với tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 9.287 tỷ đồng, tổng dư nợ bị thiệt hại là 3.851 tỷ đồng, trong đó: Chỉ có 30 khách hàng và 10,2 tỷ đồng tương ứng với 0,27% dư nợ bị thiệt hại được bồi thường do có bảo hiểm, còn lại 99,73% dư nợ bị thiệt chưa có bảo hiểm hoặc chỉ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không tham gia bảo hiểm rủi ro giông, bão, lũ, lụt nên không được bồi thường.
Như vậy, trên 14.500 tỷ dư nợ tín dụng của Agribank trong đó trên 3.800 tỷ đồng tại địa bàn Tỉnh Quảng Ninh (vốn Nhà nước) có nguy cơ trở thành nợ xấu khó có khả năng thu hồi, Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi hàng trăm tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai bão, lũ.
Bên cạnh các nguyên nhân về kỹ thuật bảo hiểm chưa đáp ứng hoặc sự rụt rè của thị trường bảo hiểm đối với bảo hiểm rủi ro thiên tai/ dịch bệnh vào khu vực Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn thì còn tồn tại một số nhóm nguyên nhân như sau:
Một là: Nhóm nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách: Việc bắt buộc phải mua bảo hiểm chỉ được áp dụng với rủi ro cháy nổ hoặc bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, chưa bắt buộc bảo hiểm các rủi ro thiên tai thảm họa trong sản xuất nông nghiệp.
Luật các TCTD còn hạn chế các sản phẩm bảo hiểm rủi ro gắn với các sản phẩm Ngân hàng nên Lãnh đạo Ngân hàng còn e dè khi sử dụng hợp đồng bảo hiểm rủi ro là một trong các giải pháp phân tán rủi ro hữu hiệu trong quá trình cấp vốn cho sản xuất nông nghiệp mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thuyết phục khách hàng tự nguyện tham gia kèm theo các ưu đãi về lãi suất, tăng hạn mức tín nhiệm.
Hai là: Sản xuất nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ chưa liên kết chặt chẽ theo mô hình sản xuất hàng hóa hiện đại, gồm nhiều chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp trong khu vực nông thôn như: Nhà Ngân hàng, nhà cung ứng vật tư nhân công, nhà tiêu thụ, nhà xuất nhập khẩu, nhà nông và doanh nghiệp bảo hiểm.
Ba là: Nhận thức của người dân trong khu vực nông thôn còn hạn chế về các giải pháp quản trị rủi ro trong sản xuất, đặc biệt chưa nhận thức tính thiết thực về công cụ bảo hiểm để có thêm điểm tựa tài chính khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Điều này cũng xuất phát từ thực tiễn biên lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp chưa cao hoặc không có nên chi phí dành cho các giải pháp quản trị rủi ro (mua bảo hiểm rủi ro để bảo vệ ) hầu như không có.
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Trung Ương Đảng về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định: "Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế", đồng thời giao nhiệm vụ cho Agribank chịu trách nhiệm cung cấp tín dụng cho khu vực Tam nông. Để bảo vệ nguồn vốn tín dụng thuộc sở hữu Nhà nước, Agribank đã yêu cầu Bảo hiểm Agribank phải tập trung nguồn lực tiên phong triển khai các sản phẩm Bảo hiểm rủi ro vào khu vực Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn thông qua hệ thống mạng lưới của Agribank đến khắp toàn quốc. Đồng thời, Agribank và Bảo hiểm Agribank đã được Bộ Nông nghiệp lựa chọn là đối tác duy nhất tham gia triển khai các Đề án trọng điểm quốc gia tại khu vực Tam nông như "Đề án 5 vùng nguyên liệu thí điểm đạt chuẩn" " Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao", phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) thúc đẩy các chương trình bảo hiểm nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững tại Việt Nam.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, để Bảo hiểm rủi ro thiên tai thảm họa thực sự trở thành tấm lá chắn kinh tế cho khu vực Tam Nông, Agribank đề xuất "Cần có biện pháp hành chính cụ thể" để ngân hàng thực sự trở thành kênh phân phối gói sản phẩm tài chính gồm sản phẩm Ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho bà con Nông dân trong khu vực Tam nông.
Cụ thể như, khi vay vốn phục vụ chăn nuôi, trồng trọt nếu mua bảo hiểm được Ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm và tăng hạn mức cho vay; khi có thiên tai thảm họa sẽ được ngân hàng chủ động tái cấp vốn tín dụng mới ngay nếu có doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi thường.
"Nếu không có giải pháp cụ thể, khi có thiên tai, dịch bệnh là lại có kiến nghị Nhà nước về chính sách hỗ trợ thiên tai để nông dân phục hồi sản xuất, đồng thời kiến nghị ngân hàng phải hỗ trợ khoanh nợ, miễn lãi, giảm lãi, thậm chí xóa nợ, đề nghị Ngân hàng cho vay tiếp trong khi đã bị xếp vào nhóm nợ xấu gây gánh nặng tài chính cho Nhà nước và Ngân hàng", ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.