Trung Quốc là thị trường khổng lồ nhưng mỗi tỉnh lại có sự khác biệt, nông sản Việt cần cách tiếp cận riêng

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 10/02/2023 14:30 PM (GMT+7)
Trung Quốc là thị trường khổng lồ, nhưng mỗi tỉnh ở Trung Quốc cũng là 1 thị trường lớn. Nông sản Việt Nam cần chọn cách tiếp cận riêng cho phù hợp.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam lưu ý như thế tại Diễn đàn trực tuyến Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổ chức ngày 10/2.

Giữ thị phần cho nông sản Việt tại thị trường Trung Quốc

Theo Ban quản lý Cửa khẩu tỉnh Lào Cai, trong tháng 1/2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai đạt giá trị gần 82 triệu USD; xuất khẩu 48,3 triệu USD, nhập khẩu 33,3 triệu USD.

Hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản tươi từ phía Nam ra gồm: thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít… Trong tháng 1 đã có gần 600 xe thanh long được đưa lên Lào Cai để xuất khẩu qua nước bạn.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng nông sản Việt Nam. Trong đó, của sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,5%. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng nông sản Việt Nam. Trong đó, của sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,5%. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; của sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,5%; của cao su với tỷ trọng 71%. 

Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam.

Trong nước thường nhắc đến tầm quan trọng của việc mở rộng những thị trường mới, lựa chọn thị trường ngách.

Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, trước khi làm được điều đó, Việt Nam cần phải giữ được những thị trường truyền thống, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Theo ông Sơn, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể khi xác định rõ Trung Quốc là thị trường khó tính, hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch.

Nhà vườn thu mua sầu riêng ở Bến Tre xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhà vườn thu mua sầu riêng ở Bến Tre xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Sơn lưu ý thêm trong cách thức tiếp cận thị trường Trung Quốc: Bên cạnh việc cập nhật xu hướng mới, hướng tới sản xuất chất lượng cao, một điểm mà Bộ Công Thương thường xuyên triển khai thời gian qua là tăng cường tiếp cận vùng, với từng địa phương ở Trung Quốc.

Mỗi địa phương của Trung Quốc đều có một quy mô kinh tế lớn và khác biệt. Cùng với những thói quen tiêu dùng, những yêu cầu khác nhau về mặt hàng sản phẩm và bao bì, kể cả thực phẩm và nông sản.

"Chúng ta cần phải nhìn nhận như thế để có cách thức tiếp cận tốt hơn, chứ không phải chỉ xem Trung Quốc là một thị trường chung", ông Sơn đề nghị.

Tăng cường tiếp cận vùng với thị trường Trung Quốc

Đánh giá riêng về thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, giai đoạn trước dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu tăng trưởng bình quân đạt 20,3%.

Trong đó giá trị xuất nhập khẩu hàng nông sản chiếm trên 30% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu với khối lượng nông sản xuất nhập khẩu hai bên đạt gần 2 triệu tấn mỗi năm.

Tìm năng xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang Trung Quốc còn khiêm tốn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tìm năng xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang Trung Quốc còn khiêm tốn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đối với thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), UBND tỉnh Lào Cai đề nghị các bộ ngành tiếp tục phối hợp triển khai các biện pháp thuận lợi hóa, khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành; tiếp tục hoàn thiện "luồng xanh" thông quan nhanh hàng nông sản qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai – Hà Khẩu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thời gian qua, Bộ đã truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ NNPTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói chung nhằm xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu chọn cách tiếp cận cụ thể với các tỉnh thành ở Trung Quốc. Ảnh: PV

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu chọn cách tiếp cận cụ thể với các tỉnh thành ở Trung Quốc. Ảnh: PV

Đồng tình với gợi ý Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, thế mạnh nông sản Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt ở nhiều thị trường nhỏ tại Trung Quốc.

Bên cạnh việc tiếp tục khắc phục hạ tầng các cửa khẩu, nông sản trong nước cần tăng cường đa dạng các kênh thương mại qua nhiều hình thức.

"Trong đó lưu ý mỗi tỉnh thành ở Trung Quốc là một thị trường lớn để chọn cách tiếp cận riêng cho phù hợp", Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem