Căn cước công dân gắn chip sử dụng thay Sổ hộ khẩu thế nào?

08/10/2022 06:00 GMT+7
Căn cước công dân (CCCD) gắn chip là loại giấy tờ chứng minh nhân thân cải tiến nhất hiện nay, sắp tới còn có thể được sử dụng thay Sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính. Vậy CCCD gắn chip sử dụng thay Sổ hộ khẩu như thế nào?

Bỏ Sổ hộ khẩu, CCCD gắn chip có thể được dùng thay

Hiện nay, Sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị sử dụng nếu không có sự thay đổi thông tin về cư trú. Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin về cư trú, người dân sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu và không được cấp mới lại.

Cụ thể, các trường hợp bị thu Sổ hộ khẩu được quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA bao gồm: Đăng ký thường trú, tạm trú; điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; tách hộ; đăng ký thường trú; gia hạn tạm trú; xóa đăng ký tạm trú.

Từ 01/01/2023, Sổ hộ khẩu giấy chính thức bị “khai tử” và hết giá trị sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú.

Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật cư trú thống nhất, đồng bộ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn các Bộ, ngành phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu.

Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú của công dân.

Căn cước công dân gắn chip sử dụng thay Sổ hộ khẩu thế nào? - Ảnh 1.

Các cơ quan hành chính Nhà nước có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú của công dân.

CCCD gắn chip sử dụng thay Sổ hộ khẩu như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật CCCD năm 2014, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân.

Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin có trên CCCD (căn cứ khoản 3 Điều 20 Luật CCCD).

Trên mặt thẻ CCCD thể hiện các thông tin cơ bản về: Ảnh chân dung; Số CCCD chính là số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Giới tính; Ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; Ngày thẻ hết hạn; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay; Ngày cấp thẻ…

Ngoài ra, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sử dụng có thể sử dụng thiết bị đọc thông tin trong con chíp trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự…

Thiết bị này do Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư kết hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu sản xuất, hiện nay đã được trang bị cho Công an cấp huyện.

Con chip trên thẻ CCCD Chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Con chip tích hợp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay.

Có thể thấy, việc dùng CCCD gắn chip thay thế các loại giấy tờ như Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú là vô cùng thuận tiện, dễ dàng. Thông tin của công dân được quản lý đầy đủ, thống nhất nên việc xác thực danh tính, thông tin cư trú qua thẻ CCCD gắn chíp được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác.

Ngoài CCCD gắn chip, còn giấy tờ gì được dùng thay Sổ hộ khẩu?

Mặc dù được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn dùng CCCD gắn chip thay thế Sổ hộ khẩu, tuy nhiên có rất nhiều người vẫn chưa có CCCD gắn chip để sử dụng.

Trường hợp vừa bị thu Sổ hộ khẩu, lại vừa chưa có CCCD gắn chip, người dân vẫn có thể dùng một loại giấy tờ khác để thay thế là Giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 55/2021, công dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cư trú cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú khi cần dùng đến theo 02 cách:

- Đến cơ quan đăng ký cư trú đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú. Khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 giải thích cơ quan đăng ký cư trú như sau:

Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

- Gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Giấy xác nhận thông tin cư trú được cấp trong 03 ngày làm việc theo yêu cầu của công dân.

Nội dung của Giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm các thông tin về thời gian, địa điểm và hình thức đăng ký cư trú.

Về hiệu lực của Giấy xác nhận thông tin cư trú:

- Có giá trị trong 06 tháng kể từ ngày cấp với trường hợp thuộc khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú:

1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

- Có giá trị trong 30 ngày kể từ ngày cấp với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.

- Khi thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú và được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì Giấy xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị.


PV
Cùng chuyên mục