Cảng Cái Lân 2019: Nối dài hành trình thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu

20/01/2020 09:19 GMT+7
Từng là dự án quan trọng trong chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nhưng Cảng Cái Lân nhanh chóng thê thảm. Tới năm 2019, công ty nối dài hành trình thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu.

Nối dài thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu

Công ty Cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân được thành lập năm 2007 bởi 3 cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh (Quangninhport), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).

Cảng Cái Lân ra đời với mục tiêu chính là tạo ra chuỗi khép kín cung cấp dịch vụ cảng và logistic tại cảng Cái Lân - Quảng Ninh. Trong chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam, Cảng Cái Lân được xây dựng và vận hành theo Quyết định 228/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mô hình thí điểm cho thuê quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng.

Có nhiệm vụ nặng nề là thế nhưng cuối cùng, Cảng Cái Lân(CPI) không những không "vụt sáng" mà còn trở thành "cục nợ" của Vinalines. Công ty nhanh chóng lâm vào cảnh thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu. Tới năm 2019, hành trình bi quan này lại được kéo dài.

Cảng Cái Lân 2019: Nối dài hành trình thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 1.

Cảng Cái Lân 2019 nối dài hành trình thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 mới được công bố, dù lợi nhuận quý 4/2019 của CPI đạt 393 triệu đồng nhưng tính chung cả năm, công ty vẫn thua lỗ 974 triệu đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên đến 409 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Khoản thua lỗ khổng lồ này khiến CPI âm vốn chủ sở hữu 29,5 tỷ đồng.

CPI thua lỗ khi doanh thu tiếp tục đi lùi và đứng ở mức rất thấp. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 chỉ đạt 59,1 tỷ đồng, giảm 29,3 tỷ đồng, tương đương 33,1% so với năm 2018. Doanh thu giảm sâu nên lẽ ra CPI sẽ thua lỗ nặng hơn nếu công ty không thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Trong năm 2019, chi phí quản lý doanh nghiệp tại công ty giảm từ 7,1 tỷ đồng năm 2018 xuống chỉ còn 5,7 tỷ đồng trong năm 2019. CPI thực hiện tiết giảm chi phí trong quý 4/2019.

CPI cho biết trong quý 4/2019, công ty tập trung tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, tập trung nhiều vào chi phí tiền lương của cán bộ nhân viên bộ phận văn phòng. Chi phí quản lý văn phòng quý 4/2019 chỉ đạt 1,517 triệu đồng bằng 76% so với chi phí quản lý doanh nghiệp quý 4/2018 (giảm 475 triệu đồng).

Nặng nợ Cảng Container Quốc tế Cái Lân

Sức cạnh tranh sụt giảm khiến cho doanh thu Cảng Cái Lân "cài số lùi", từ đó dẫn đến thua lỗ. Nhưng đó chưa phải là tất cả nguyên nhân khiến công ty bê bết. Một trong những nguyên nhân lớn chính là "tồi đồ" mang tên Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân (CICT).

Không lâu sau khi ra đời, Cảng Cái Lân hợp tác với đối tác ngoại thành lập Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân để  xây dựng cảng container hiện đại nhất miền Bắc. Thế nhưng, "đứa con lai" này cuối cùng trở thành "nặng nợ" của Cảng Cái Lân.

Hoạt động kinh doanh của CICT liên tục trượt dốc. Hồi năm 2014, CICT gây sốc khi lỗ mỗi tháng 1 triệu USD. Điều đó khiến CPI phải rót thêm tiền để duy trì sự hoạt động của CICT, đồng thời chi rất nhiều tiền trích lập dự phòng.

Cụ thể, năm 2007, CPI chi 25,49 triệu USD thành lập CICT để nắm giữ 51% vốn CICT. Thế nhưng, những khoản thua lỗ đậm của CICT đã khiến CPI phải dành 473 tỷ đồng để trích lập dự phòng.

Trước đó, trong năm 2018, khi giải thích cho việc thua lỗ, CPI "than" toàn bộ nguồn lực tài chính của CPI đã tập trung góp hết vào CICT nên CPI không có điều kiện đầu tư kho, bãi, và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công việc mà chỉ đi thuê lại… dẫn tới giảm lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận thực hiện.

Cảng Cái Lân 2019: Nối dài hành trình thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 3.

Cảng Container Quốc tế Cái Lân khiến Cảng Cái Lân lâm vào tình cảnh khó khăn.

Ngoài ra, hàng năm CPI phải bù đắp dần cho các khoản nguồn vốn ngoài vốn chủ đã đầu tư vào CICT, dẫn đến tình hình dòng tiền trong kinh doanh càng hạn chế, CPI khó có đủ khả năng tài chính để đầu tư mở rộng kinh doanh.

Thị giá cổ phiếu… 1.000 đồng

Điều ngạc nhiên là, bất chấp thua lỗ, năm 2017, Cảng Cái Lân vẫn quyết định đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM. Và không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu này bị nhà đầu tư quay lưng.

Trong phiên chào sàn (28/7/2017), CPI đứng im ở mức 5.900 đồng/CP. Không có bất cứ giao dịch nào được thực hiện. Phải sau đó 16 phiên, CPI mới phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, chỉ có 100 cổ phiếu CPI được trao tay đã đủ khiến CPI giảm sàn, giảm 2.300 đồng/CP xuống chỉ còn 3.600 đồng/CP.

Tính tới nay, CPI rất ít khi phát sinh giao dịch và nếu có, xu hướng giảm giá chiếm tỷ trọng lớn. Vì vậy, đóng cửa phiên 16/1/2019, CPI đứng ở mức chỉ… 1.000 đồng/CP, giảm tới 90% so với mệnh giá.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục