Căng thẳng Nga - Ukraine tác động như thế nào đến thị trường phân bón?

26/02/2022 15:02 GMT+7
Nga là quốc gia xuất khẩu nhiều ure, NPK nhất thế giới năm 2021.

Thị trường phân bón thế giới thời gian qua trải qua cơn bão giá trong bối cảnh chi phí sản xuất đi lên do khủng hoảng lượng và tắc nghẽn vận chuyển. Nhu cầu hàng loạt nông sản tăng sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, kéo theo cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, thị trường này còn chịu tác động lớn từ chiến sự tại Ukraine. Ngày 24/2, Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Mỹ, Anh và châu Âu đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Nga là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về phân bón và các nguyên liệu thô liên quan như lưu huỳnh nên chiến sự tại Ukraine sẽ tác động đến thị trường thế giới.

Năm 2021, Nga là quốc gia xuất khẩu nhiều ure, NPK nhất thế giới. Về lưu huỳnh, nước này xếp thứ 4 toàn cầu về sản lượng xuất khẩu. Với mức giá hiện tại, mỗi tháng Moscow thu về hơn 2 tỷ USD từ xuất khẩu phân bón.

Sản phẩm

Khối lượng (triệu tấn)

Thị phần xuất khẩu trên thế giới (%)

Thứ hạng xuất khẩu

Ure 7 18 1
NPK 5,9 38 1
DAP/MAP 4 14 4
Lưu huỳnh 1,8 9 3

Các thị trường xuất khẩu chính của Nga là Brazil, EU và Mỹ. Phân bón quan trọng đối với châu Âu vì cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng trong vụ xuân, sau khi một số nhà máy sản xuất ở châu Âu phải ngừng hoạt động vì giá khí đốt quá cao. Giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan ngày 24/2 ở mức 118 euro/mwh, tăng hơn 33% so với ngày 23/2. Giá khí đốt tại Anh là 290 xu Anh/therm, tăng 36 % so với ngày 23/2.

Sản lượng phân bón hàng năm của Nga đạt hơn 50 triệu tấn, tương đương 13% tổng nguồn cung toàn cầu. Trong đó, Phosagro, Uralchem, Uralkali, Acron và Eurochem là những nhà sản xuất lớn nhất và chủ yếu xuất khẩu hàng sang châu Á và Brazil.

Do tác động căng thẳng Nga - Ukraine, giá ure tại New Orlean, Mỹ tăng 36,3 USD/tấn sau lệnh trừng phạt của Mỹ, EU đối với Nga.

Theo DTN, giá phân bón DAP, kali, ure trong tuần kết thúc vào 18/2 lần lượt là 874 USD/tấn, 815 USD/tấn, 891 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, giá các loại trên tăng lần lượt 46%, 102% và 95%.

Căng thẳng Nga - Ukraine tác động như thế nào đến thị trường phân bón? - Ảnh 1.

Diễn biến giá phân lót 10-34-0. Nguồn: DTN

Tác động đến thị trường Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, Việt Nam nhập khẩu 322.731 tấn phân bón, tương đương 153,6 triệu USD. Trong đó, Việt Nam mua 53.773 tấn từ Nga, tương đương gần 29,6 triệu USD chiếm 16,7% trong tổng lượng và chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch so với tháng 12/2021. Trong năm 2021, Việt Nam chi 143,5 triệu USD nhập mặt hàng này từ Nga, tương đương với 386.193 tấn. Về kim ngạch, nhập khẩu từ Nga chiếm 10% của cả nước.

Theo báo của của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), so với thời điểm đầu năm 2021, giá sản xuất trong nước và nhập khẩu đã tăng 80-130%. Trong đó, ure là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng khoảng 130%, lên mức 15,5-16 triệu đồng/tấn tại TP HCM.

Giá nhập khẩu tháng 1là 461,6 USD/tấn, so với 262,4 USD/tấn cùng kỳ năm trước, tăng 76%.

Ông Đinh Công Nghiệp, Phó giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời nhận định đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua là một phần nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao kéo theo chi phí sản xuất của nông dân. Trong khi đó, giá lúa lại giảm. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của bà con nông dân. Giá phân bón tăng khiến chi phí đầu vào của sản xuất lúa tăng khoảng 20%. Bên cạnh đó chi phí của thuốc bảo vệ thực vật và các dịch vụ nông nghiệp cũng tăng. 

Đỗ Lan
Cùng chuyên mục