Kon Tum gấp rút hiện thực mục tiêu tăng diện tích loại cây trồng có giá trị “vàng”

Công Xuân
17/04/2025 12:26 GMT +7
Để hoàn thành trồng mới 1.578ha sâm Ngọc Linh mà tỉnh Kon Tum đã đề ra trong năm 2025, ngành nông nghiệp đã làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để khẩn trương triển khai thực hiện.

Nguồn cây giống cơ bản đảm bảo

Sáng 17/4, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết, đã làm việc với các địa phương, tổ chức và cá nhân liên quan để triển khai, chuẩn bị thực hiện kịp thời vụ trồng mới sâm Ngọc Linh, theo kế hoạch mà UBND tỉnh đã đề ra cho năm 2025.

Năm 2025, tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu trồng mới 1.578ha sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích người dân trồng khoảng 60ha tại 2 huyện Đăk Glei (15 ha) và huyện Tu Mơ Rông (45ha).Ảnh: Văn Tùng

Năm 2025, tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu trồng mới 1.578ha sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích người dân trồng khoảng 60ha tại 2 huyện Đăk Glei (15 ha) và huyện Tu Mơ Rông (45ha).

Số diện tích trồng mới còn lại  (khoảng 1.518ha), do các doanh nghiệp chuyên canh trên địa bàn tỉnh thực hiện, gồm Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum 900ha, Công ty Vingin 550 ha, Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông 30ha, Công ty Đăk Tô 38ha.

Nói về nguồn cây giống để thực hiện mục tiêu trồng mới sâm Ngọc Linh của năm 2025, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024 toàn tỉnh có 900ha sâm Ngọc Linh cho thu hoạch quả và có khoảng 6 triệu cây cho hạt.

Kiểm tra cây giống sâm Ngọc Linh đã ươm.Ảnh: Văn Tùng

Với số lượng hạt của diện tích nói trên dự tính nếu tỷ lệ gieo ươm nẩy mầm đạt tỷ lệ khoảng 80%, sẽ cho khoảng 14,4 triệu cây giống.

Bên cạnh đó một số vườn ươm còn lưu vụ khoảng 2 triệu cây….sẽ đảm bảo đủ số cây giống phục vụ thực hiện chỉ tiêu trồng mới năm nay 2025.

Diện tích đang được mở rộng, nâng lên

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Kon Tum, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.922ha diện tích rừng có trồng sâm Ngọc Linh.

Trong số này phần diện tích người dân trồng khoảng 333,63ha, gồm huyện Đăk Glei khoảng 75,11ha và huyện Tu Mơ Rông khoảng 258,52ha.

Một khu vực trồng sâm Ngọc Linh.Ảnh: Văn Tùng.

Phần trồng của các doanh nghiệp khoảng 2.589ha, gồm Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum khoảng 1.650ha, Công ty Vingin khoảng 823ha, Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông khoảng 44ha, Công ty Đăk Tô 66 ha và các HTX, đơn vị khác khoảng 6ha.

Ngoài diện tích trên, số trồng trong lâm phần của các chủ rừng chưa được khai báo ước có gần 40ha và các tổ chức, cá nhân trồng ngoài vùng chỉ dẫn địa lý khoảng 14,85ha.

Ăn ngủ trong rừng trồng cây đại bổ trên núi, nông dân thành tỷ phú Kon Tum

Sâm Ngọc Linh là loài sâm đặc biệt quý hiếm, chỉ trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum mới đủ điều kiện về thổ nhưỡng, chất đất có nhiều vi khoáng đặc biệt cho sâm phát triển.

Từ nhiều năm qua sâm Ngọc Linh đã chứng minh như loại kháng sinh tự nhiên nên có tính kháng khuẩn, tiêu viêm, phục hồi tổn thương rất tốt.

Với những người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch, mắc nhiều bệnh lý nền nếu sử dụng sâm thường xuyên sẽ giúp phục hồi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.

Giá sâm Ngọc Linh bán trên thị trường tuỳ kích cỡ và chất lượng, tính bằng con số hàng chục đến trên trăm triệu đồng/kg.Ảnh: Văn Tùng

Sâm Ngọc Linh cũng đã được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, là "quốc bảo" của Việt Nam và đưa vào danh mục cấm khai thác trong tự nhiên, thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ.

Vì vậy giá sâm Ngọc Linh bán trên thị trường tuỳ kích cỡ và chất lượng, tính bằng con số hàng chục đến trên trăm triệu đồng/kg