Gỡ khó dòng tiền, ngân hàng giúp nông dân nuôi cá ‘tránh bẫy’ chi phí đội giá

Huyền Anh
17/04/2025 14:41 GMT +7
Nhờ vốn vay từ Agribank, ông Nguyễn Trường Chinh (tỉnh Long An) không còn phải mua chịu thức ăn chăn nuôi với giá cao. Chủ động dòng tiền giúp ông mở rộng ao nuôi, giảm rủi ro và tiến gần hơn đến giấc mơ xuất khẩu cá.

“Bỏ lại sau lưng những vụ lúa kém năng suất, ông Nguyễn Trường Chinh – một nông dân ở Long An – đã mạnh dạn đào ao nuôi cá trên chính mảnh ruộng "bạc màu" ấy. Gần 15 năm sau, từ một người tay trắng, ông Chinh trở thành chủ trại cá hàng trăm tấn mỗi năm”, với quy mô ai nuôi lên tới 3.500m2.

Đào ao trên đất lúa – khởi đầu của một cơ nghiệp

“Vùng này hồi trước lúa kém năng suất, chỉ trồng được cây mua với tràm,” ông Chinh nhớ lại. Năm 2009, ông quyết định đào ao đầu tiên trên chính thửa ruộng này chỉ vỏn vẹn vài trăm mét vuông. Lúc ấy, ông nuôi thử cá rô đồng, cá thát lát với sản lượng chỉ vài chục tấn mỗi năm.

Làm rồi đam mê, ông mở rộng dần. Từ một ao thành ba, rồi mười ao. Mỗi năm thu vài trăm tấn cá. Loài cá chủ lực là cá thát lát – được thị trường nội địa ưa chuộng, cùng với cá rô đồng truyền thống. Tuy nhiên, sau nhiều năm bám nghề, ông nhận ra một vấn đề: “Nuôi một loại hoài thì dễ bị bệnh, đầu ra cũng mong manh. Thị trường trong nước lại thất thường”.

Trong bối cảnh thị trường nội địa dần bão hòa, ông Chinh bắt đầu tính xa hơn: “Phải hướng ra thị trường thế giới nếu không muốn dậm chân tại chỗ”. Thế là ông mạnh dạn thử nghiệm nuôi cá rô phi đơn tính – loại cá có tiềm năng xuất khẩu, nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, môi trường nước ổn định và không dùng kháng sinh.

“Mình phải học lại từ đầu, theo hướng sinh học, xử lý bằng vi sinh. Thử nghiệm hai tháng rồi, cá phát triển ổn định”, ông nói.

Dù năm ngoái sản lượng giảm còn hơn 200 tấn do dịch bệnh, ông Chinh đặt mục tiêu năm nay đạt 400–500 tấn, nhờ áp dụng công nghệ, thay đổi vật nuôi và cải tạo môi trường nuôi.

Vốn ngân hàng – “chìa khóa” để làm lớn

Nhưng để “làm lớn” trong nghề nuôi cá không đơn giản, bởi rào cản vốn luôn khiến người nông dân phải chùn bước. Và chính trong giai đoạn đó, một cú bắt tay đầy tin cậy với Agribank đã giúp ông lật sang trang mới.

"Lúc đó, tôi cũng mạnh dạn vay mượn từ người thân, bạn bè nhưng vẫn không đủ để đầu tư bài bản. May mắn được cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tin tưởng và tạo điều kiện cho vay vốn, ban đầu là 1-2 tỷ đồng," ông kể.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá của ông Chinh, Agribank đã không ngần ngại tăng hạn mức vay lên 7 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp ông đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi, mua sắm trang thiết bị cần thiết như hệ thống oxy, thức ăn chất lượng cao, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cá. Đến nay, dư nợ vay của ông tại Agribank là 10 tỷ đồng.

"Ngân hàng Agribank thực sự là một người bạn đồng hành đáng tin cậy của bà con nông dân. Lúc mình khó khăn nhất, không ai dám cho vay thì Agribank vẫn tin tưởng và hỗ trợ mình. Các cán bộ ngân hàng còn thường xuyên xuống tận ao để tư vấn, kiểm tra và tạo điều kiện tốt nhất cho mình phát triển," ông Chinh bày tỏ sự biết ơn.

Ông Chinh cho biết thêm, đầu tư mỗi ao cá thát lát, từ lúc thả giống tới lúc thu hoạch là 8–10 tháng, mỗi ao khoảng 40 tấn với số vốn (không bao gồm hạ tầng) khoảng 2,4–2,5 tỷ đồng/ao/vụ.

Nhưng điều mà ông Chinh tâm đắc nhất chính là nguồn vốn lưu động. “Không có nguồn tiền lưu động vay từ ngân hàng, tiền mua thức ăn, thuốc thang cho cá đề phải “ký sổ” đến cuối vụ, và phải chịu mức giá cao hơn tới 50.000 đồng/bao cám. Với quy mô nuôi lớn thì một ngày phải vài chục bao, cả tháng là đội cả trăm triệu. Nuôi cá rủi ro cao, chỉ cần chi phí đầu vào nhích lên một chút cũng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Vay được vốn ngân hàng không chỉ để nuôi cá, mà để mua chủ động”, ông Chinh nhấn mạnh.

Mặc dù mới thử nghiệm nuôi cá rô phi xuất khẩu được 2 tháng, nhận thấy sự ổn định và tiềm năng của mô hình này, ông Chinh bày tỏ sự tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình và những người nông dân cùng chí hướng.

Ông hy vọng, với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và ngân hàng, mô hình nuôi cá của ông sẽ ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và đưa sản phẩm thủy sản Long An vươn xa trên thị trường quốc tế.

Ông cũng chia sẻ thêm về thủ tục vay vốn tại Agribank ngày càng thuận tiện và nhanh chóng, giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có nhiều biến động, việc Agribank điều chỉnh giảm lãi 2% lãi vay so với năm noái, đã giúp ông và nhiều hộ nuôi cá khác giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất.

Câu chuyện của ông Nguyễn Trường Chinh không chỉ là một minh chứng cho việc người nông dân có thể làm giàu, mà còn là minh chứng cho một hệ sinh thái hỗ trợ thiết thực – nơi ngân hàng, chính quyền địa phương và bản lĩnh người dân gặp nhau.

Đến Đồng Tháp vào mùa thu hoạch cá tra, chúng tôi bắt gặp bà Nguyễn Thị Lý – một người phụ nữ đầy năng lượng, đang tất bật cùng công nhân thu hoạch. Bà sở hữu 10 ao nuôi cá, lợi nhuận mang về mỗi năm trên 5 tỷ đồng. Nhưng phía sau thành công ấy cũng chính là sự đồng hành lặng lẽ của Agribank – đã từng giãn nợ, giảm lãi, rồi lại cho vay mới khi bà gặp khó khăn. Có thời điểm, dư nợ của bà tại Agribank lên tới 20 tỷ đồng. Chiếc "phao tài chính" từ Agribank đã giúp bà Lý và biết bao hộ nuôi trồng khác trụ vững.

Tại Agribank, Nông, lâm, thủy sản luôn được Agribank xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên đầu tư nguồn vốn, với tỷ trọng khoảng 26% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Từ tháng 7/2023, Agribank là ngân hàng đầu tiên triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô đăng ký ban đầu là 3.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1,0% - 2,0%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Nhận thấy nhu cầu vốn lớn từ thị trường và tín hiệu tích cực từ chương trình, trong năm 2024, Agribank đã hai lần đăng ký bổ sung với Ngân hàng Nhà nước, nâng quy mô tham gia chương trình lên 13.000 tỷ đồng.

Sau hơn 18 tháng triển khai, tổng số vốn Agribank đã giải ngân đạt gần 10.000 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 6.500 lượt khách hàng trên cả nước. Trong đó, riêng khu vực Tây Nam Bộ – vùng trọng điểm nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản – chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn được giải ngân của chương trình. Điều này cho thấy nhu cầu vốn tín dụng cho lĩnh vực lâm, thủy sản là rất lớn và nỗ lực của Agribank kịp thời hướng dòng vốn đến đúng địa bàn, đúng đối tượng và đúng nhu cầu của khách hàng.

Năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về mở rộng và điều chỉnh quy mô Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản lên tối đa 100.000 tỷ đồng, Agribank tiếp tục đăng ký nâng quy mô tham gia chương trình lên đến 20.000 tỷ đồng, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản phát triển.

Cùng với đó, Agribank cũng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến đa lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khách hàng cá nhân… với tổng quy mô hơn 310.000 tỷ đồng. Khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cũng có thể tham gia vay vốn ưu đãi theo các chương trình này.