Người lính Cụ Hồ và hành trình từ hai bao tải tiền đến cơ nghiệp tiền tỷ

Huyền Anh
02/05/2025 08:40 GMT +7
Ông Lê Văn Bình – cựu chiến binh trở về từ quân ngũ, người đã biến vùng đất hoang thành một hợp tác xã quy mô hàng chục tỷ đồng. Câu chuyện lập thân, lập nghiệp của ông không chỉ là hành trình của một người nông dân kiên cường, mà còn là hình ảnh thu nhỏ của sự chuyển mình trong nông nghiệp Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Con đường vào trang trại du lịch sinh thái trải nghiệm của Hợp tác xã Nga Hải (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) mùa này xanh mướt bên lúa, bên ngô. Lối vào trang trại rực rỡ những khóm hoa hồng cổ khoe sắc bên vườn bưởi, vườn xoài đang mùa đơm hoa.

Dẫn chúng tôi dạo bước qua vườn nho Hạ đen vừa chớm quả, ông Lê Văn Bình (sinh năm 1962) – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nga Hải trầm giọng kể lại hành trình lập nghiệp đầy gian nan nhưng cũng không kém phần tự hào của mình, sau khi ông rời quân ngũ trở về, mang theo ước vọng lớn lao: làm giàu từ đất, từ nông nghiệp.

Khát vọng làm giàu của người lính Cụ Hồ: Vay 2 bao tải tiền, biến đất hoang thành "cơ ngơi" tiền tỷ

Năm 1986, ông vào khu vực đồi hoang của xã Xuân Mỹ – nơi “không đường, không điện, không nước”, từng khiến nhiều người đến rồi bỏ cuộc chỉ sau vài năm. “Có vào đến nơi mới thấy, vùng đất này chẳng có nổi 500 mét vuông bằng phẳng để làm nhà. Muỗi nhiều đến mức bò nuôi cũng chết”, ông nhớ lại.

Thế nhưng, thay vì chùn bước, ông Bình chọn ở lại. Ông ươm mầm những bước đi đầu tiên bằng cách khai hoang, cải tạo đất, tự đào giếng lấy nước mạch và dựng nhà bằng gỗ mang từ quê vào. Cuộc sống thiếu thốn nhưng ông vẫn kiên định.

Bước ngoặt đến vào năm 1993, khi ông Lê Văn Bình là người nông dân đầu tiên được vay tín chấp 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Nghi Xuân, để chớp thời cơ đổi mới.

Thời điểm năm 1993, hầu hết các món vay của người dân chỉ 500 nghìn đồng tới vài triệu đồng, thì khoản vay 100 triệu đồng của ông Bình (tương đương hàng chục lượng vàng lúc đó) là một khoản vay lớn. Đồng tiền mệnh giá phổ biến lúc bấy giờ là 5.000 đồng, ông Bình phải cho vào 2 bao tải chất lên chiếc xe đạp Viha chở từ Agribank huyện Nghi Xuân về nhà cất dưới gầm giường…

“Suốt cả cuộc đời mình tôi không quên câu nói của ông Nguyễn Sỹ Hàn - Giám đốc Agribank Nghi Xuân thời điểm đó: Anh Bình ơi, không cho anh vay thì chúng tôi mất đi “một chiến sỹ cộng sản” - vì sợ người lính không ngại khó, không ngại khổ như anh nản chí. Mà cho anh vay thì không biết khi mô ngân hàng lấy lại được tiền. Nhưng tôi tin anh làm được, tôi sẽ cho anh vay bằng tín chấp. Ông Hàn chân tình nói với tôi khi cả Agribank Nghi Xuân lúc đó căng thẳng, họp lên họp xuống vì trường hợp vay vốn của tôi…”, ông Bình kể lại.

Toàn bộ số tiền ấy được ông đầu tư vào san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng cơ bản, đào ao, làm chuồng trại – những thứ nền móng đầu tiên của mô hình trang trại mà sau này phát triển thành hợp tác xã quy mô hàng chục hecta.

Trước năm 2014, mô hình của ông vẫn là trang trại quy mô cá nhân. Nhưng khi chương trình nông thôn mới lan tỏa, ông Bình nhận ra: “Trang trại cá nhân rất khó liên kết chuỗi giá trị”. Vậy là ông thành lập Hợp tác xã Nga Hải, hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đầu ra ổn định.

Đến nay, Hợp tác xã của ông có 30 thành viên, trong đó 15 người góp vốn, 15 người tham gia sản xuất và bao tiêu sản phẩm. HTX Nga Hải có tổng diện tích trên 100 ha, trong đó hơn 90 ha trồng cây lâm nghiệp, 10 ha trồng cây ăn quả, chăn nuôi và du lịch trải nghiệm.

Ngoài dưa lưới, trang trại còn có 3 ha cây ăn quả, trong đó có 1.000 gốc cam Phủ Quỳ, gần 1.000 gốc bưởi da xanh, 4 khu nhà lưới trồng các giống cây ăn quả mới như nho sữa, nho Hạ đen...

Bên cạnh trồng trọt, HTX Nga Hải còn liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chăn nuôi gà và lợn thương phẩm.  Mỗi năm, cơ sở của ông xuất bán 2.500 con lợn thịt, 30.000 con gà (5 lứa/năm) và khai thác 8 ha ao nuôi cá truyền thống.

HTX Nga Hải cũng là cơ sở đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ An triển khai trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Israel mà đích thân ông Bình thuê một chuyên gia nông nghiệp người Israel trực tiếp phụ trách kỹ thuật với mức lương 2.000 USD/tháng.

Theo ông Bình, tổng doanh thu hàng năm của hợp tác xã có thể đạt 70–80 tỷ đồng, nếu tính theo giá trị sản lượng gà, lợn và cá bán ra thị trường.

Ông chia sẻ: “Làm nông nghiệp công nghệ cao, giàu thì lâu mà nghèo thì rất nhanh. Có những lúc lỗ vài trăm triệu mỗi lứa gà là chuyện bình thường. 1 + 1 đôi khi bằng 0. Nhưng làm thật thì vẫn sống được. Không giàu nhanh, nhưng bền”.

Ba lần trắng tay, không lùi bước

Tất nhiên, con đường làm giàu từ nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, nhất là tại vùng đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều, nơi trồng rau đủ ăn còn khó khăn.  Và thành công hôm nay của ông Bình cũng được đổi bằng những lần đứng bên bờ vực.

“Năm 1998, cả đàn dê Bách Thảo hơn 100 con mắc bệnh lạ, mù mắt rồi chết. Mất trắng. Năm 2010, lũ và bão liên tiếp cuốn trôi toàn bộ tài sản, kể cả nhà cửa, chuồng trại. Cả gia đình phải trèo lên sập lũa để trú ẩn. Trắng tay lần nữa”.

Có lúc, người thân khuyên nên từ bỏ, kể cả gia đình bên vợ cũng đề xuất đưa ông vào Tây Nguyên để làm lại từ đầu. Nhưng ông Bình chọn ở lại, chọn cách đi tiếp. “Đã vào đây là sống chết ở đây. Làm kinh tế bằng vốn vay thì trả dần. Nhưng tuyệt đối không vay ai ngoài ngân hàng. Không liên lụy ai”, ông chia sẻ.

Ông Lê Văn Bình từng là Phó Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, sau này là Giám đốc HTX kiểu mới. Ông nói với niềm tự hào: “Tôi không cần chính sách đặc thù, nhưng mong chính sách đúng người, đúng mô hình. Tài sản trên đất phải được công nhận. Đất nông nghiệp không định giá được thì ai làm lớn?”.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân – lực lượng “trụ cột” trong phát triển nông nghiệp, như bài viết của Tổng Bí thư từng chỉ rõ. “Muốn phát triển phải có quy hoạch ngành nghề, vùng trồng, vùng nuôi. Không thể để ai muốn làm gì thì làm. Nông nghiệp không thể ‘tự phát’. Nếu không, ‘được mùa – mất giá’ cứ lặp đi lặp lại, nông dân mãi không khá”.

Từ một người lính trở về, với hai bàn tay trắng, ông Lê Văn Bình đã kiên định suốt 40 năm qua để dựng lên cơ đồ giữa vùng đất từng hoang hóa. Ông không chỉ tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, mà còn là người thí điểm thành công mô hình Hợp tác xã tư nhân kiểu mới – nơi người nông dân làm chủ tri thức, công nghệ và cả vận mệnh kinh tế của mình.

Ở tuổi hơn 60, ông vẫn chưa dừng lại. “Tư tưởng là chưa dừng. Năm nào cũng đầu tư thêm. Không có đầu tư là thấy… bứt rứt trong người”, ông cười.