Cây mắc-ca sẵn sàng hành trình tỷ đô
Xu hướng ăn hạt và nguồn cung đang không đủ cầu
Trên thực tế, cây mắc-ca đã vào Việt Nam được 20 năm, nhưng 5 năm qua là giai đoạn Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam cùng các cơ quan chức năng đã nghiên cứu thành công và chuẩn bị sẵn những nền tảng cơ bản để đưa ngành hàng mắc-ca “cất cánh” trong giai đoạn tới.
Với những giá trị và đặc điểm vượt trội về kinh tế và xã hội, nên vào tháng 11-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận mắc-ca là 1 trong 20 loài cây trồng lâm nghiệp chính của Việt Nam. Đây chính là cơ sở pháp lý rất quan trọng và là tiền đề để phát triển ngành hàng mắc-ca.
Trước đó, tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các địa phương, nhà khoa học tiếp tục đánh giá hiệu quả sản xuất của cây mắc-ca để có các giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả, bền vững.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trên thị trường thế giới, nguồn cung mắc-ca không đáp ứng đủ cầu. Trong khi, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trồng cây mắc-ca, loại cây xuất xứ từ Australia, hơn 20 năm nay.
Hiện xu hướng bớt ăn thịt đỏ, chuyển sang ăn các loại hạt ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Trong khi đó, hạt mắc-ca được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại quả khô” có giá trị dinh dưỡng rất cao. Ở Việt Nam, xu hướng ăn hạt, uống sữa hạt vừa bảo đảm sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường cũng bắt đầu nở rộ từ năm 2019.
Theo các chuyên gia, không chỉ mang hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu, mắc-ca còn là cây lâm nghiệp có thể giải quyết nhiều vấn đề môi trường, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; giúp củng cố an ninh - quốc phòng vùng đồi núi biên giới.
Nhu cầu về nhân hạt mắc-ca trên thế giới đang gia tăng hằng năm và giá hạt mắc-ca trên thị trường thế giới trong 10 năm qua liên tục tăng. Tại Australia, mỗi kg hạt tươi có giá khoảng 6 đô-la Australia, tương đương khoảng 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội, chi phí sản xuất ra 1 kg hạt mắc-ca là dưới 25.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Ngọc Huy cho biết, ngành hàng mắc-ca Việt Nam đã được chuẩn bị kỹ và sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới. Cho tới nay, công suất sản xuất giống mắc-ca đã đạt khoảng 2,5 triệu cây giống chuẩn và có thể tăng lên ngay khi cần thiết.
Hiệp hội và các cơ quan chức năng hiện đã tiến hành hơn 60 cuộc hội nghị tập huấn cho 23 tỉnh với khoảng 9.000 lượt hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia. Lãnh đạo và người dân của nhiều địa phương đã thấy hiệu quả của cây mắc-ca và đặt niềm tin vào loại cây này.
Về nguồn vốn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã vào cuộc với mô hình cho vay và quản lý dòng vốn theo chuỗi, quản lý chặt chẽ từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ…
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tung ra gói tín dụng riêng đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh mắc-ca. Đến nay, Ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay đối với hơn 50 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh với tổng giá trị dư nợ 420 tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh đã thu lợi rất tốt nhờ trồng mắc-ca, cho thấy phát triển mắc-ca có thể giúp các hộ nông dân trở nên giàu có.
Ông Huỳnh Ngọc Huy phân tích thêm, quy mô ngành hàng mắc-ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để chúng ta đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác. Định hướng là mắc-ca hữu cơ, bán với giá cao, hướng tới xuất khẩu, trước hết là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Trung Đông… Muốn vậy, phải có chiến lược về vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, dòng sản phẩm, điều tiết giá cả… để xây dựng thương hiệu mắc-ca Việt Nam.
Hiệp hội Mắc-ca cũng xây dựng chính sách bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ việc bình ổn giá đối với thị trường mắc-ca trong nước, bảo đảm giá mắc-ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc-ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới. Vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng ép giá người trồng mắc-ca, chúng tôi cho các doanh nghiệp vay bảy tỷ đồng để thu mua bình ổn giá thì tình trạng đó chấm dứt ngay. Giá rớt không phải do thị trường rớt, mà là do tranh mua tranh bán, có người ép giá.
Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam cho biết, theo tổng hợp từ các địa phương, hiện cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc-ca với hơn 10.000 hộ trồng, với tổng diện tích 16.553,8 ha. Năng suất bình quân đạt 3 tấn hạt tươi/ha; sản lượng ước đạt đạt khoảng 6.570 tấn hạt tươi/năm. Giá bán hạt mắc-ca tại vườn khoảng từ 70.000 - 90.000 đồng/kg hạt tươi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng phát triển ít nhất 200.000 ha và đạt sản lượng khoảng 600.000 tấn hạt mắc-ca nguyên vỏ.
Cần hỗ trợ cơ chế về đất đai
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, một trong những khó khăn hiện nay là vấn đề đất đai, rất cần các cơ chế và chính sách để giải quyết.
Thứ hai là vấn đề vốn. Với kỳ vọng xây dựng mô hình ngân hàng đi cùng một loại cây chủ lực, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ cung cấp vốn để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, cung cấp vốn lưu động để thu mua hạt mắc-ca nhằm mục đích bình ổn giá, tiêu thụ hết lượng mắc-ca cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất ra. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho vay vốn trong vòng 15 năm và chỉ bắt đầu thu hồi vốn khi cây mắc-ca được 5 tuổi, tức là tới khi có thu hoạch.
Tuy nhiên, hiện quy mô thị trường còn nhỏ thì một ngân hàng như Bưu điện Liên Việt có thể bình ổn được, nhưng sau 5 đến 10 năm nữa, khi quy mô thị trường lớn hơn, sẽ cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống ngân hàng.
Theo Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, nhu cầu về nhân hạt mắc-ca trên thế giới đang gia tăng hằng năm và giá hạt mắc-ca trên thị trường thế giới trong 10 năm qua liên tục tăng. Tuy vậy, sản lượng mắc-ca mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới, điều này cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường cho hạt mắc-ca còn rất lớn.
Hiện nay các tổ chức như Ủy ban nghiên cứu phát triển mắc-ca thế giới (IMSC), Hiệp hội Mắc-ca Australia đã và đang thực hiện các chiến lược quảng bá để thúc đẩy thị trường tiêu thụ mắc-ca trên toàn thế giới, mục tiêu đến năm 2025 sản lượng nhân mắc-ca sẽ chiếm 5% thị phần các loại hạt trên thế giới.
“Tôi đã nghiên cứu và làm việc ở Australia và cũng hiểu rõ người nông dân Việt Nam lại rất chịu thương, chịu khó. Giờ mọi thứ cho ngành mắc-ca đã sẵn sàng, nếu quyết tâm làm một cách bài bản thì mục tiêu một tỷ đô không khó”, ông Huỳnh Ngọc Huy tự tin nói.