dd/mm/yyyy

Chăn nuôi công nghệ cao: Cùng làm sẽ thắng?

Chăn nuôi công nghệ cao là bài toán giúp các doanh nghiệp đi đến thành công và đang trở thành hướng đầu tư tất yếu nhằm khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường.

Điển hình chăn nuôi heo

Ngành chăn nuôi heo (lợn) là điển hình trong việc tìm tòi hướng đi công nghệ cao. Ngành nuôi heo gần đây phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn công nghiệp và không ít nơi sử dụng kháng sinh kích thích tăng trọng, khiến sản lượng thịt tăng, nhưng giá cả lại không tăng tương xứng khiến lợi nhuận không nhiều. Các doanh nghiệp đang cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách phát triển sản phẩm chất lượng cao từ chăn nuôi công nghệ cao.

Trang trại bò sữa organic đạt tiêu chuẩn châu Âu của Vinamilk - Ảnh: CTV
Trang trại bò sữa organic đạt tiêu chuẩn châu Âu của Vinamilk - Ảnh: CTV

Mô hình chăn nuôi hữu cơ xuất hiện tại nhiều địa phương. Một số trang trại nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu E.M (Effective Microorganism) của Nhật Bản, với công nghệ áp dụng công thức ủ lên men các loại ngũ cốc như cám gạo, đậu tương, ngô… nhằm tạo ra các enzym có lợi cho tiêu hóa và tăng sức đề kháng cho lợn, thức ăn có mùi vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn, khiến lợn ăn nhiều hơn mà không cần sử dụng đến các loại phụ gia công nghiệp.

Nằm sát biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, cách Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh) chừng 5 km, trang trại chăn nuôi heo của Doanh nghiệp Tư nhân Lộc Phát, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được đánh giá là trang trại chăn nuôi hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á. Quy mô toàn trại chăn nuôi lên đến 54 ha, trong đó trung tâm là khu trại chăn nuôi được xây dựng 10 ha và khu vực vùng “đệm” bao bọc xung quanh trang trại để ngăn cách với bên ngoài, được trồng nhiều loại cây tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể. Được biết tổng kinh phí đầu tư xây dựng trang trại heo giống này lên tới gần 6 triệu USD (khoảng hơn 130 tỷ đồng).

Xuất hiện những “đầu tàu”

Trong ngành sản xuất trứng, Nhà máy Sản xuất Trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật, Mỹ, Isarel..., có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng, để cho ra đời những quả trứng sạch, tươi ngon, bổ dưỡng, có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.

Lĩnh vực chăn nuôi bò cũng đạt nhiều thành quả quan trọng. Bà Thái Hương, người đứng đầu Tập đoàn TH từng nhận xét: “Xét về thổ nhưỡng, nếu Israel có 50% thì Việt Nam đạt tới 100%. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khoa học kỹ thuật, bạn đạt 100% trong khi ta chỉ khiêm tốn với 30%. Vì thế, khi mua bí quyết công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi của bạn, ta đã có trong tay tới 230% tiềm năng để thành công”.

Theo đánh giá chung, phần lớn các doanh nghiệp chăn nuôi thành công hiện đều đi theo hướng công nghệ cao. Bài toán đặt ra với các doanh nghiệp chỉ là vấn đề hiệu quả. Với nguồn vốn đầu tư lớn, liệu chăn nuôi công nghệ cao có hiệu quả? Đơn cử như Nhà máy Trứng sạch ở Phú Thọ có tổng số vốn đầu tư lên tới 800 tỷ đồng do doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đầu tư, sẽ là gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp. Nguồn vốn chính là bài toán khó. Bởi ngoài chi phí mặt bằng, máy móc, nhà xưởng thì các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao còn phải chi phí vào con giống, thức ăn với số tiền thường gấp 10 lần số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nhà máy!
Khả thi liên kết

Để giải bài toán về vốn cho đầu tư chăn nuôi công nghệ cao, giải pháp liên kết bốn nhà được xem là khả thi hơn cả. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt bằng và ưu đãi vốn; Các doanh nghiệp làm giống và thức ăn sẽ liên kết cung ứng thức ăn; Các nhà tiêu thụ sẽ giúp tiêu thụ đầu ra của sản phẩm.

Trang trại chăn nuôi heo Lộc Phát ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước với kinh phí đầu tư lên tới 130 tỷ đồng, song nếu họ nuôi 25.000 con heo theo đúng công suất thì số vốn đầu tư cho con giống và thức ăn lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và bất khả thi đối với doanh nghiệp nhỏ ở một tỉnh lẻ. Song nhờ liên kết với Tập đoàn C.P theo hình thức “nuôi gia công”, được cung ứng con giống, thức ăn, doanh nghiệp đã được giải bài toán về vốn và năm 2016 họ đã nổi tiếng trong ngành chăn nuôi khi đạt năng suất cao nhất châu Á trong số các trang trại vệ tinh của C.P.

Tuy vậy, hình thức liên kết như Công ty C.P đang làm là không nhiều. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam là tình trạng “mạnh ai nấy làm”, “cá lớn nuốt cá bé”, “tự thân vận động” là chính, chưa thể hiện được tinh thần đoàn kết, cùng sẻ chia trách nhiệm và lợi nhuận.

Rõ ràng, chăn nuôi công nghệ cao tuy đầu tư cao hơn, nhưng nếu tạo ra được chuỗi liên kết, mỗi khâu đều chủ động bỏ ra một phần vốn, cùng làm cùng có lợi, cùng nhau giành thắng lợi thì bài toán về vốn không còn quá nặng nề và sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với chăn nuôi công nghệ cao. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có cơ hội lớn để sử dụng những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguyễn Anh