dd/mm/yyyy

Chàng diễn viên điện ảnh và niềm đam mê 'quốc khuyển'

Gác tấm bằng cử nhân kinh tế và nghề diễn viên điện ảnh, anh Nguyễn Ngọc Duy Tân (TP.HCM) về vườn gây dựng trang trại chó Phú Quốc để đi tìm gen thuần chủng của loại 'quốc khuyển' bản địa đặc sắc này.

Anh Duy Tân thuộc tính tình từng con chó Phú Quốc trong trại. 

Như đã hẹn, tôi tìm đến trại chó Phú Quốc ở Cần Giuộc (Long An) của Duy Tân. Thật lòng, tôi biết ở Sài Gòn cũng có một vài trại chó Phú Quốc nổi tiếng như của ông Sáu Hữu (Lương y Trịnh Hiền Hữu) ở Củ Chi, với gần 20 năm kinh nghiệm “đổ” (nhân giống) chó Phú Quốc. Nhưng, tôi muốn xem khát vọng tìm gen thuần chủng của loại chó bản địa nổi tiếng này ở một người diễn viên trẻ như Duy Tân.

Bỏ “xoáy” Thái lấy “xoáy” Phú Quốc

Trên chuyến phà Cần Giuộc qua xã Phước Lại, nơi có trại chó Phú Quốc của Duy Tân, tôi vân vê, săm soi bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc do Bá tước Henry De Bylandt công bố năm 1897. Đây là bản tiêu chuẩn được nhiều người nhân giống chó Phú Quốc lâu nay áp dụng, với hy vọng có chút khái niệm về chó Phú Quốc khi tiếp cận đàn chó của Duy Tân.

“Chó Phú Quốc được xem là một trong tứ đại “quốc khuyển” của Việt Nam, gồm: Phú Quốc, Digo Đông Dương, H’Mông Cộc và Bắc Hà; trên thế giới chỉ có 3 loài chó xoáy lông là: Phú Quốc, Thái Lan và châu Phi”.
Anh Duy Tân

Theo bản tiêu chuẩn này, Bá tước Henry De Bylandt cho rằng chó Phú Quốc có các đặc điểm: Loài chó săn chạy rất nhanh khi săn mồi; mình và đầu nặng nề hơn; mõm (miệng) đen, rộng dài bằng nửa chiều dài cái đầu; tai dựng đứng hình vỏ sò; màu sắc vàng lửa, dải lông mọc ngược (xoáy lưng) màu sắc sẫm hơn; …

Đang cuốn theo bản tiêu chuẩn, tôi bước đến cạnh trại chó Phú Quốc của Duy Tân lúc nào không biết. Sau tiếng sủa inh ỏi của bầy chó Phú Quốc bị nhốt trong những chiếc lồng to tướng, một con chó đực, nặng khoảng 20kg, lao đến và bay vèo qua vách chuồng cao hơn 2m đứng chắn trước mặt tôi. Nó cứ đứng tấn với hai tai dỏng cao và “mắt cọp” nhìn tôi chằm chằm. Tôi như bị thôi miên.

Đang hướng dẫn nhân viên làm việc, thấy tôi rơi vào thế bí, Duy Tân vội chạy đến. Anh hét ầm: “Max, Max”, nhưng con Max sau một thoáng nhìn chủ vẫn quay lại “chiếu bí” tôi. Nó chỉ chịu về chuồng khi Duy Tân ra lệnh.

Trước đây, Duy Tân đã mua 6 con chó “xoáy” Thái – một loại chó rất hung, để giữ nhà. “Chỉ được nửa năm với bầy chó tôi đã thấy không ổn. Chó xoáy lưng Thái khứu giác không tốt trong phạm vi rộng, cũng như tính nó rất hung bạo, sẵn sàng táp tay chủ khi cho ăn. Sau đó, tôi quyết định bán tống, bán tháo, thậm chí cho luôn đàn chó này”, anh chia sẻ.

Trong lúc luẩn quẩn tìm loài chó khác thay thế đàn chó xoáy lưng Thái, Duy Tân chợt nghĩ đến giống chó Phú Quốc. Anh nghiên cứu thấy rằng, giống chó Phú Quốc rất thích hợp cho việc giữ nhà với đặc tính: Biết leo trèo, nhanh nhạy, săn bắt giỏi, khứu giác tốt, và nhất là trung thành, dễ bảo… “Tôi chợt nghĩ Việt Nam có một loài chó tốt như thế sao mình phải chọn chó nước ngoài về nuôi”, anh thổ lộ.

Một đàn chó Phú Quốc con trong trại chó của anh Duy Tân.

Thế là, Duy Tân đích thân ra huyện đảo Phú Quốc tìm mua chó Phú Quốc về nuôi giữ nhà. Anh rất ấn tượng loài chó săn có xoáy lông ở lưng và tính thông minh, nhanh nhạy này. Bỏ ra hơn chục triệu đồng, anh đem về đất liền cặp chó Phú Quốc con. “Đem về hai con chó quý, tôi hy vọng nó đẻ thêm cho có chó giữ nhà. Đợi hoài không được, tôi buộc lòng lên mạng internet, tìm hiểu từ những người nuôi chó Phú Quốc để lấy kinh nghiệm phối giống cho chó đẻ. Cuối cùng, cặp chó này cũng sinh được 7 con rất đẹp”, Duy Tân cười hề hề.

Duy Tân cho biết, bản chất của chó Phú Quốc là chó săn nên dù mới sinh chó con cũng biểu lộ đặc điểm này với dáng dong dỏng cao, bụng thon… nhất là đôi mắt lúc nào cũng “mang hình viên đạn”. Hiện trại chó Phú Quốc của Duy Tân có hơn 60 chó con mới sinh, trong đó Max là con đực đầu đàn.

Đi tìm gen thuần chủng

Duy Tân đưa mắt xăm xoi những đàn chó Phú Quốc con. Nhìn ánh mắt thẫn thờ có thể thấy anh không hài lòng lắm. Biết tôi đang dò xét, anh cười buồn: “5 đàn chó mới sinh thì hết 2 đàn bị “gãy”, 3 đàn khác chỉ đạt chừng 70% yêu cầu. Tôi đang tìm những con chó Phú Quốc con có gen trội để lai tạo chéo”.

Nhưng làm thế nào để biết chó Phú Quốc thuần chủng của vài trăm năm trước? Hiện nay, các nhà nghiên cứu hay lai tạo chó Phú Quốc dựa vào các tài liệu cổ như bộ tiêu chuẩn của Bá tước Henry De Bylandt công bố năm 1897 hay bảng tiêu chuẩn đánh giá chó Phú Quốc của Hiệp hội những người nuôi chó Việt Nam (VKA), hình ảnh về chó Phú Quốc của thợ săn ngày xưa.

Anh Duy Tân và con Max.

Tôi được biết, từ năm 1990, Viện Chăn nuôi đã theo dõi và bảo tồn gen của chó Phú Quốc trong đề án Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia. Thực tế, hiện nay chó Phú Quốc tại đảo Phú Quốc gần như hoàn toàn bị lai tạp; tại các trại nhân giống vì mưu cầu kinh tế nên gần như cũng tha hồ lai tạo để cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Theo Duy Tân, mặc dù đang có đàn chó Phú Quốc nhằm thực hiện mục tiêu “tìm gen thuần chủng”, nhưng nếu nghe ở đâu có chó Phú Quốc với những đặc tính vượt trội thì anh tìm đến thương lượng. “Tôi sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng để mua một con chó có yêu cầu như thế”, Duy Tân quả quyết.

Để đánh giá chung nhất về chó Phú Quốc sẽ bao gồm những yếu tố: Có xoáy tròn trên lưng bao gồm xoáy hình kiếm, bowling hay đao; Tai dựng đứng như hình vỏ sò và luôn hướng về phía trước; Chất lông cứng, ngắn khi dài không quá 1cm, ôm sát vào cơ thể của chó; Mũi đen; Đuôi khô, cong, vót về phía trước; Cân nặng chó cái từ 12 - 18kg, đực từ 15 - 20kg. 

Duy Tân xác định, trong cuộc đi tìm “gen thuần chủng chó Phú Quốc” là một quá trình dài và tốn kém. Duy Tân cho biết đã từng gặp trường hợp chó Phú Quốc khi phối giống chỉ sinh ra một loại con giống nhau. Gặp trường hợp này người nhân giống gần như phá sản vì chỉ có thể đi phối giống từ con đực khác, thậm chí nếu là di truyền từ con cái phải chấm dứt tái đàn.

Hiện, với 10 con chó cái, mỗi năm sinh hai lần, Duy Tân tung ra thị trường vài chục con chó Phú Quốc con. “Sau 3 – 4 tháng nuôi chó con bán ra thị trường; trung bình có giá 2 – 5 triệu đồng/con, thậm chí có con là cả chục triệu đồng”, anh cho biết.

Con Max nãy giờ đứng trong lồng chăm chăm nhìn chúng tôi đang ở khu vực chó cái nuôi con. Thấy Duy Tân đến nó nhảy lồng lên sung sướng. Anh ôm nó rồi nhận xét, con Max được cái lanh lẹ, thông minh, bộ lông đẹp, tai, mắt tốt nhưng cái đầu thì hơi to. “Tôi phải biết được không chỉ ưu khuyết mà cả tính tình của con chó để phục vụ trong việc lai tạo”, Duy Tân thổ lộ.

Tôi hỏi anh, có mơ hồ lắm không khi phải mất quá nhiều công sức, tiền của cho một cuộc kiếm tìm chó Phú Quốc thuần chủng mà biết chắc sẽ gian truân? Anh nhướng cặp kính cận bảo rằng “Tôi biết một mình tôi làm không xuể, nhưng những ai yêu quý chó Phú Quốc cùng sát cánh với nhau thì thể nào cũng tìm được sự thuần chủng của loại chó này, ít nhất cũng là tiệm cận”.

Trao đổi với bà Bà Huỳnh Thị Ngọc Thủy – Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lại về những cố gắng của Duy Tân, bà Thủy đánh giá cao mô hình nuôi chó Phú Quốc mang lại hiệu quả kinh tế cao của Duy Tân. Bà cũng chúc Duy Tân thành công với quyết định tìm kiếm nguồn gen chuẩn cho chó Phú Quốc.

Trần Đáng