Chàng trai xứ Nghệ kiếm tiền tỷ từ cây cà gai leo
Biến suy nghĩ thành hành động
Tốt nghiệp ngành Điện Công nghiệp, Trường Cao đẳng Kỹ thuật số 1 Nghệ An, anh Trần Trọng Phi (xã Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có nhiều cơ hội làm việc ngoài địa phương. Tuy nhiên, bản thân anh mang nỗi trăn trở và khát khao được lập nghiệp trên chính mảnh đất mình được sinh ra và tạo ra thương hiệu riêng cho quê nhà.
“Lúc nào trong đầu tôi cũng phân vân 2 việc, một là đưa hàng hóa ở bên ngoài vào để kinh doanh tại địa phương; Hai là bán sản phẩm tự có của quê hương. Qua tìm hiểu tôi biết được, ngoài nổi tiếng về vùng đất lúa, Yên Thành còn là nơi khá phong phú về nguồn dược liệu. Thêm vào đó, nhờ có sự phối hợp của vợ tôi (Nguyễn Thị Hằng) tốt nghiệp ngành dược sĩ nên bản thân cảm thấy an tâm”, anh Phi tâm sự.
Nghĩ là làm, Trần Trọng Phi bắt tay vào việc tìm kiếm các loại dược liệu quý có mặt ở quê. Như “vớ được vàng”, anh đã tìm thấy cây cà gai leo – vị vua của các loại dược liệu, với công dụng thanh lọc cơ thể, mát gan hướng tới phần đông người sử dụng. Sau khi phân tích phân khúc thị trường, chàng trai xứ Nghệ tham khảo về cách chế biến qua internet, sách báo, thầy thuốc đông y và cả những người đang làm cà gai leo để học hỏi kinh nghiệm.
Qua tìm hiểu, anh Phi đã đặt nguyên liệu cà gai leo ở vùng trồng xã Thái Hưng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Thông qua công ty trên địa bàn Thái Bình, anh được chứng kiến quy trình gia công cà gai leo thành dạng túi lọc với nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ.
“Lúc đó tôi bán lỗ, bởi giá thành sản phẩm thấp hơn chi phí gia công, nhưng tôi chấp nhận để xem thử tình hình thị trường như thế nào. Không ngờ sản phẩm được địa phương đón nhận, điều này trở thành động lực để bản thân có thể khẳng định rằng mình sẽ chiến thắng ở “sân chơi” này”, anh Phi chia sẻ.
Sau đó, Phi tiến hành đưa giống từ Viện dược liệu quốc gia để thí điểm trước 1 mẫu ở địa phương. Song song với việc nhập máy móc, bố trí phù hợp với diện tích nhà xưởng 50-60m2.
Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, chàng trai này không quản ngại đường sá xa xôi, một mình một xe máy chở hàng đến các nhà thuốc, cửa hàng tạp hóa trong tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên không mấy ai mặn mà tới trà cà gai leo. Phần vì giá thành khá cao, phần vì chưa ai biết tới sự tồn tại của loại trà này trên thị trường. Nhận thấy không khả thi, anh quay sang xây dựng thương hiệu thông qua trang facebook cá nhân và Fanpage với tên thương hiệu Cà gai leo Tân Thành Green. Tiếp đó là các hội chợ, các mối quan hệ bạn bè đối tác…
Sau khi lượng khách ổn định hơn, anh bắt đầu nhập máy móc với công suất lớn, mở rộng xưởng sản xuất trà theo mô hình khép kín. Các gói trà được hút chân không, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Vì thế hàng hóa đến tay người tiêu dùng vừa đẹp về mẫu mã, vừa ưng ý về chất lượng.
“Lúc đầu xây dựng xưởng trà tại địa phương, ngày có đơn hàng, ngày không. Có khi chỉ cần có người đặt vài hộp là bản thân mừng lắm rồi, nhanh chân đi giao ngay. Bây giờ, mỗi ngày có người đặt 100 hộp cũng bình thường. Bản thân tôi nghĩ rằng, đằng sau mỗi hộp trà là sự uy tín và trách nhiệm cao. Điều đó được xây dựng dựa trên việc cẩn thận trong khâu chế biến, đóng gói sản phẩm và thái độ chân thành, tận tâm nhiệt huyết của người làm kinh doanh”, anh Trần Trọng Phi chia sẻ.
Trồng cây cũng đến ngày hái quả ngọt, hiện tại không chỉ mở rộng xưởng trà khép kín ngay trên mảnh đất quê hương, anh Phi đã nhân rộng mô hình trồng cà gai leo ở hầu hết các xã thuộc huyện Yên Thành như xã Tân Thành, Tiến Thành, Hồng Thành, Mã Thành.
Mỗi ngày, xưởng sản xuất tối đa 300 hộp trà, doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng/năm. Hiện tại, trà cà gai leo đã có mặt ở hầu khắp cả nước phát triển nhất ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và cả thị trường Singapore, Qatar…theo con đường hàng xách tay.
Tạo được uy tín và việc làm cho người dân địa phương
Để mở rộng địa bàn sản xuất,đáp ứng nguyên liệu chế biến trà, anh Phi không xây dựng các vùng trồng tập trung mà theo hình thức liên kết với người dân địa phương.
Với sự uy tín và chiến lược rõ ràng, anh Phi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Thông qua việc cấp giống cây trồng, hỗ trợ tiền phân bón giai đoạn đầu, đưa ra các quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn về thực hành dược liệu, cùng với đó là bản hợp đồng đảm bảo kinh tế và tránh rủi ro cho người nông dân. Từ đó khoảng 2 ha vùng trồng cà gai leo được hình thành ở gần 10 hộ dân.
Cà gai leo sau khi xuống giống có thể thu hoạch 3 vụ/năm. Sau 4 tháng, khi cây đã đến độ chín, anh Phi thu mua với mức giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn so với giá thị trường từ 7000-8000 đồng, đảm bảo cho bà con có lời, yên tâm canh tác.
Bên cạnh đó, gần 10 nhân công tại xưởng cũng được đảm bảo thu nhập hàng tháng. Chị Nguyễn Thị Lý, làm việc tại xưởng trà Tân Thành Green cho biết “Trước đây, tôi đi làm làm công nhân ở công ty gỗ, rồi ai thuê gì làm nấy, lương hàng tháng từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, nhưng xa nhà. Nay anh Phi mở xưởng trà ngay tại xã Tân Thành, anh có lời mời tôi về làm tại xưởng, chẳng cần suy nghĩ nhiều tôi đồng ý ngay. Thứ nhất là gần nhà; thứ hai là môi trường làm việc thoải mái, mát mẻ, không phải dùng quá nhiều sức người; thứ 3 là mức lương ổn định, mỗi tháng tôi nhận được từ 4 – 4,5 triệu. Ở quê chỉ cần như vậy là vui rồi”.
Đánh giá về mô hình sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, ông Phạm Văn Chính, Chủ tịch xã Tân Thành cho biết: “Đây là một làn sóng phát triển mới trên quê hương Tân Thành, khi đội ngũ trẻ sau thời gian học tập ở ngoài về mở doanh nghiệp nhỏ để phát triển tại quê hương. Mô hình của anh Trần Trọng Phi là một điển hình, khi có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đem lại thu nhập cao. Anh biết tận dụng cây cà gai leo là dược liệu lâu năm để chế biến thành dạng túi lọc nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ đó tạo được thu nhập cho lao động trên địa bàn, phần nữa tạo được vệ tinh trong sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số hộ dân. Qua đây, tôi cũng kêu gọi và khuyến khích thế hệ trí thức trẻ Yên Thành nói chung,Tân Thành nói riêng không ngừng cố gắng, sáng tạo để làm giàu cho quê hương”./.