"Chi phí không chính thức" bao giờ mới chính thức hết hành doanh nghiệp?

12/05/2020 11:42 GMT+7
Có tới hơn 50% doanh nghiệp phản ánh họ phải trả chi phí không chính thức. Theo đánh giá, đây là một trong những lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đáng quan ngại.

Theo báo cáo thường niên về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức là 53,6%. Dù con số này đã giảm nhưng đây vẫn lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đáng quan ngại.

Báo cáo của VCCI cho thấy, khi triển khai dự án liên quan tới thủ tục hành chính DN gặp vướng mắc rất lớn, nhất là những thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư.

"Chi phí không chính thức" bao giờ mới chính thức hết hành doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Năm 2019, hơn 50% doanh nghiệp phải chi trả các khoản không chính thức

Chính vì vậy, chi phí không chính thức trong lĩnh vực này cũng lớn. Có 48% DN FDI thừa nhận đã chi trung bình khoảng 24 triệu đồng chi phí không chính thức để nhận được giấy phép phép xây dựng trong năm 2019. Đáng lưu ý, con số trên có thể chưa phản ánh đúng chi phí thực tế, bởi có khả năng các DN FDI đã bỏ qua việc xin cấp phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí "lót tay".

Bàn luận về vấn đề này, Ts. Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, "chi phí gầm bàn" là một trong những lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đáng quan ngại. Trong đó, thủ tục hành chính phiền hà là một trong các điều kiện dẫn đến các chi phí "lót tay".

"Chi phí không chính thức" bao giờ mới chính thức hết hành doanh nghiệp? - Ảnh 2.

Ts. Lê Đăng Doanh là người từng có lời giúp cố Thủ tướng Phan Văn Khải cắt giảm tới 286 điều kiện kinh doanh vào những năm 2000-2001.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, điều kiện kinh doanh là một trong những giấy phép con trá hình. Trong đó có những điều không hợp lý, chồng chéo gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

"Sau một thời gian thực hiện, doanh nghiệp có vẻ dễ thở hơn chút nhưng không hiểu sao sau đó lại "đẻ" ra các giấy con mới. Cho đến những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, mặc dù có thể đăng ký qua online nhưng rất nhiều địa phương vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đến trực tiếp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi đến nơi các cơ quan quản lý lại yêu cầu giấy này, giấy kia. Thậm chí họ phải "chở 1 ô tô giấy tờ" đến nơi công quyền để xin phép kinh doanh, có nơi thì nói thẳng "phong bì thì chiều mai lấy, nếu không 3 tháng tới đến chờ kết quả…", ông Doanh cho biết.

Theo vị chuyên gia này cải cách hành chính, cải cách bộ máy của Việt Nam chậm chạp so với yêu cầu, so với đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp. 

"Cần phải công khai cụ thể, các đơn vị làm gì. Các đề nghị, thủ tục của DN sẽ do đơn vị nào giải quyết và khi nào xong? Các bước này phải công bố rộng rãi trên mạng internet và chuyển mạnh mẽ sang kinh tế số, thể hiện rõ trách nhiệm giải trình của bộ ngành. Đây là cơ sở để có những cải thiện mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, không thể hài lòng với chỉ số 50 % DN phải "bôi trơn" khi thực hiện các thủ tục hành chính và phải nỗ lực hơn nữa để con số này giảm nữa", ông Doanh nói.

Cũng cùng ý kiến này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, tham nhũng và thủ tục hành chính là một trong các vấn đề mà Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

GS Nguyễn Mại cho biết, hiện vốn FDI đến Việt Nam chủ yếu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, có rất ít các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh, Canada đầu tư vào nước ta.

"Lý do là bởi, giữa các nước châu Á với nhau, vấn đề tham nhũng không quá quan trọng nhưng với các nước phương Tây thì khác. Không phải vì họ không có tham nhũng mà khi bị phát hiện, chỉ cần tiêu đôi ba ngàn USD không đúng thôi là các nghị sĩ đã bị lên án và yêu cầu từ chức", GS Nguyễn Mại nói.

GS Mại nhấn mạnh, tham nhũng là câu chuyện cần phải bàn hàng đầu một cách nghiêm túc. Mặc dù những năm gần đây Việt Nam đấu tranh tham nhũng cũng được đánh giá là tích cực nhưng chưa đảm bảo một môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Đặc biệt là hiện tượng tham nhũng vặt, nói tham nhũng vặt nhưng số tiền không hề ít.

"Bên cạnh tham nhũng thì các thủ tục giấy tờ ở Việt Nam quá rối rắm, phiền hà. Giờ doanh nghiệp đến xin một cái giấy phải mất 3 tháng, tiếp đó xin giấy cấp đất lại mất 1 năm, rồi giấy phép xây dựng cũng năm nữa thì chắc chắn không ai đến đầu tư", GS Mại nói.

A.Vũ
Cùng chuyên mục