Chỉ trồng loại vải đắt tiền, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ xuất đi Mỹ, Nhật, người quen muốn mua cũng khó

Thiên Hương Thứ ba, ngày 21/06/2022 18:28 PM (GMT+7)
Những ngày này, các thành viên HTX sản xuất, tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) đã gần như kết thúc vụ vải sớm. Năm nay, toàn bộ sản lượng vải sớm trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao nên bà con rất phấn khởi.
Bình luận 0

Chỉ trồng loại vải đắt tiền, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ xuất đi Mỹ, Nhật

Chúng tôi biết được thông tin về HTX sản xuất, tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa qua một người bạn chuyên bán nông sản trên mạng – chị Đoàn Kim Dung ở Hà Nội. Cô ấy bảo: Không ngờ năm nay muốn mua vải VietGAP, GlobalGAP khó như vậy. Đặt hàng từ sớm, nói khó mấy lần ông Giám đốc HTX Phúc Hòa mới để dành lại cho 1 chuyến, trong khi bao nhiêu khách đang mong chờ được ăn vải sớm chất lượng.

"Năm ngoái tôi và khách hàng đã có trải nghiệm ăn vải sớm Phúc Hòa, ai cũng hài lòng nên năm nay mọi người quay lại đặt mua. Có người đặt tới vài chục kg, sẵn sàng trả giá cao để được ăn và biếu người thân những quả vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Thế mà tôi phải "tranh nhau" mới lấy được 1 chuyến" – chị Dung chia sẻ.

Thì ra toàn bộ sản lượng vải thiều chất lượng cao của HTX sản xuất, tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa đã được các doanh nghiệp thu mua đưa đi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ.

Chỉ trồng loại vải đắt tiền, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ xuất đi Mỹ, Nhật, người quen muốn mua cũng khó - Ảnh 1.

Các thành viên của HTX Phúc Hòa thu hoạch vải sớm. Năm nay vải sớm vừa được mùa, vừa được giá nên bà con rất phấn khởi. Ảnh: HTX cung cấp

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thiết – Giám đốc HTX cho biết: Phúc Hòa được quy hoạch là vùng trồng vải chín sớm, với tổng diện tích vải sản xuất theo quy trình VietGAP là hơn 200ha; GlobalGAP là hơn 20ha. Những năm gần đây, bà con đã quen thuộc với việc chăm sóc vải đắt tiền, chỉ làm hàng xuất khẩu nên vải cho chất lượng rất cao.

"Nếu như vải chăm sóc theo quy trình thông thường năng suất chỉ được 11-12 tấn/ha, thì nhiều diện tích vải GlobalGAP vụ này đạt tới gần 20 tấn/ha. Hiện giá thu mua vải VietGAP tại vườn là 20.000-25.000 đồng/kg; giá vải GlobalGAP là 30.000 – 35.000 đồng/kg. Giá vải vụ này cao hơn năm ngoái từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại" – ông Thiết vui vẻ nói.

Bà Vy Thị Oanh, thôn Phúc Lợi, xã Phúc Hòa cho biết, nhờ có cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nên gia đình bà là hộ đầu tiên của huyện Tân Yên canh tác vải theo tiêu chuẩn hữu cơ thành công. 

Bà Oanh cho biết, 1 ha vải của gia đình đạt sản lượng khoảng 10 tấn. Công ty cổ phần NEW AG Technologies Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ để xuất khẩu sang Mỹ với giá 30.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Thiết, toàn bộ sản lượng vải loại 1 của HTX đã được các công ty Toàn Cầu, Chánh Thu, Rồng Đỏ thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ.

Chỉ trồng loại vải đắt tiền, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ xuất đi Mỹ, Nhật, người quen muốn mua cũng khó - Ảnh 2.

Vải chín sớm của HTX PHúc Hòa được chăm sóc kỹ càng theo tiêu chuẩn VietGAP, mẫu mã quả đẹp, chất lượng cao.

Năm nay, sản lượng vải loại 1 được khoảng 250 tấn. Nhưng kể cả vải loại 2-3, không xuất khẩu được thì HTX cũng bán được cho thị trường trong nước với giá từ 23.000 – 24.000 đồng. Trong khi vải thông thường, hàng chợ chỉ từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Ông Thiết cũng chia sẻ tin vui: Năm nay người trồng vải có lợi nhuận khá, sau khi hạch toán, trừ các chi phí tính ra mỗi kg vải lãi hơn 10.000 đồng.

Nhiều người vẫn nghĩ chăm vải theo quy trình VietGAP, GlobalGAP thì năng suất thấp hơn, do phải hạn chế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Theo ông Thiết, điều đó không đúng, trình độ trồng và chăm sóc vải sớm của nông dân Phúc Hòa bây giờ rất chuyên nghiệp.

Bà con chú trọng đầu tư đúng quy trình kỹ thuật, ghi chép nhật ký nghiêm ngặt, đặc biệt, từ đầu vụ đã có cán bộ chuyên môn, khuyến nông từ tỉnh xuống xã hỗ trợ nên hầu hết diện tích vải sớm đều cho chất lượng cao, mẫu mã đẹp.

Chỉ trồng loại vải đắt tiền, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ xuất đi Mỹ, Nhật, người quen muốn mua cũng khó - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thiết - Giám đốc HTX sản xuất, tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa tự tay giao những chùm vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho khách hàng. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã cũng khẳng định, chất lượng quả vải nâng cao một phần do thời tiết thuận lợi, nhưng yếu tố then chốt vẫn là do người dân áp dụng tốt biện pháp canh tác an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP.

Tại xã Phúc Hòa, nhiều vườn vải áp dụng chuẩn quy trình VietGAP, GlobalGAP cho quả vải to, đều, thương nhân đến tận vườn đặt mua từ lúc quả còn xanh. Ví như, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam (Hà Nội), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) đã ký cam kết bao tiêu 1.000 tấn vải sớm của nhóm hộ dân tại xã áp dụng chuẩn quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP. Giá thu mua khoảng 30.000 đồng/kg.

Hiện, HTX Phúc Hòa có 20 thành viên. Năm nay, bên cạnh tiêu thụ gần 300 tấn vải cho các thành viên, HTX còn có kế hoạch thu mua khoảng 1.000 tấn nữa cho bà con ngoài HTX.

Để đảm bảo chất lượng vải, ông Thiết cho biết HTX thường xuyên phối hợp với cán bộ khuyến nông, Phòng NNPTNT tuyên truyền cho bà con áp dụng đúng quy trình chăm sóc an toàn.

Ông Thiết cho biết: "Rút kinh nghiệm vụ vải trước, có một hộ phun thêm thuốc đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Vì vậy năm nay chúng tôi quan tâm, giám sát rất kỹ khâu sản xuất để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng đó phối hợp với chính quyền sớm xúc tiến ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp ở phía Nam và siêu thị ở các tỉnh lân cận".

"Chúng tôi vẫn bảo nhau, để tạo dựng được thương hiệu vải sớm Phúc Hòa, được doanh nghiệp tin tưởng thu mua lâu dài mất rất nhiều thời gian công sức, do đó phải cùng nhau đoàn kết giữ gìn uy tín, chất lượng. Chỉ cần 1 hộ làm sai là ảnh hưởng tới cả tập thể" – ông Thiết nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem