Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung là vấn đề lớn nhất của thập kỷ?!
Alex Capri, một nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Quốc gia Singapore vừa công bố một báo cáo cho thấy chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ làm lu mờ bất cứ tiến triển nào trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của hai nền kinh tế.
“Đây là những diễn biến song song. Một bên là chiến tranh công nghệ, bên còn lại là chiến tranh thuế quan. Đó là hai vấn đề độc lập, hoàn toàn tách rời” - trích báo cáo “Kỷ nguyên công nghệ: chủ nghĩa dân tộc đang làm rung chuyển những chuỗi cung ứng linh kiện như thế nào” của ông Capri. Báo cáo nhận định nền kinh tế toàn cầu đang ở trong một bối cảnh mà chủ nghĩa trọng thương và đổi mới công nghệ có những ảnh hưởng trực tiếp đến thịnh vượng kinh tế, ổn định xã hội và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trên mặt trận công nghệ, xu hướng tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi và sẽ mang đến những tác động tiêu cực làm thay đổi bối cảnh kinh tế toàn cầu.
“Ngay cả khi những căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới hạ nhiệt bằng thỏa thuận giai đoạn 1, sẽ không có sự xuống thang trong chiến tranh công nghệ” - ông Capri nhận định. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận giai đoạn 1 tại Washington, Mỹ vẫn gửi phái đoàn quan chức sang London thuyết phục Anh “cấm cửa” gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G tại nước này hoặc sẽ bị Mỹ cắt chia sẻ tin tức tình báo do những rủi ro an ninh quốc gia. Mỹ cũng đồng thời xem xét kế hoạch đầu tư ít nhất 1,25 tỷ USD vào các giải pháp thay thế thiết bị viễn thông Huawei và ZTE, theo đề xuất của một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng.
Trong năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ đã liên tiếp đưa hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei, nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất toàn cầu Hikvision, tập đoàn ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ giám sát Dahua Technology… Mỹ cũng sử dụng nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu để cấm các công ty Trung Quốc tiếp cận những công nghệ quan trọng của Mỹ với các cáo buộc gây rủi ro an ninh quốc gia...
Đáng chú ý, các công ty công nghệ Trung Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung linh kiện bán dẫn nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Trong khi đó, Mỹ hiện cung cấp tới 45% thị phần toàn cầu về linh kiện bán dẫn, dẫn đầu thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Hàn Quốc với thị phần 24%.
Nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm làm suy yếu các công ty công nghệ Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ gây tổn thương ngược lại cho những nhà cung cấp Mỹ, vốn đang kiếm hàng tỷ USD mỗi năm từ thị trường Trung Quốc. Theo báo cáo của Alex Capri, hơn 60% doanh thu của nhà sản xuất chip Qualcomm (Mỹ) trong 4 tháng đầu năm 2018, khi chiến tranh thương mại chưa bùng nổ, đến từ thị trường Trung Quốc.
Với Micron, con số này là hơn 50% còn với Broadcom là 45%. Lệnh đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu mà Bộ Thương mại Mỹ ban hành hồi tháng 5/2019 đã khiến cả 3 công ty kể trên lao đao. Broadcom thậm chí phải điều chỉnh giảm 2 tỷ USD trong doanh thu ước tính cả năm 2019.
Capri nhận định: “Về cơ bản, do các nhà sản xuất công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất của Trung Quốc vẫn đang lép vế những đối thủ Mỹ, nên Trung Quốc sẽ là kẻ thua cuộc trong ngắn hạn nếu sự phân cực công nghệ tiếp tục kéo dài…. Trong dài hạn, cả hai bên đều thua cuộc.”