Bắc Kinh cam kết gì trong thỏa thuận Mỹ Trung vừa ký kết?

16/01/2020 10:23 GMT+7
Trung Quốc đã đồng ý tăng cường nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong 2 năm tiếp theo như một phần nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 vừa ký kết.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm

Bắc Kinh cam kết gì trong thỏa thuận Mỹ Trung vừa ký kết? - Ảnh 1.

Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 chính thức ký kết hôm 15/1

Để đáp ứng thỏa thuận này, Bắc Kinh sẽ nhập khẩu thêm 77 tỷ USD hàng hóa dịch vụ bổ sung vào kim ngạch nhập khẩu năm 2020 và 123 tỷ USD hàng hóa dịch vụ bổ sung vào năm 2021, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu tăng lên 200 tỷ USD.

Năm 2017, khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung chưa bùng nổ, Trung Quốc đã nhập khẩu 186 tỷ USD hàng hóa dịch vụ của Mỹ. Như vậy, trong hai năm tiếp theo, về lý thuyết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa dịch vụ Mỹ của Trung Quốc năm 2020 sẽ là 263 tỷ USD và năm 2021 là 309 tỷ USD, mức tăng kỷ lục trong khối lượng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc.

Cơ cấu chi tiết trong kim ngạch nhập khẩu tăng cường 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ như sau:

Hàng hóa sản xuất: 32,9 tỷ USD năm 2020, 44,8 tỷ USD năm 2021.

Nông sản: 12,5 tỷ USD năm 2020, 19,5 tỷ USD năm 2021.

Năng lượng: 18,5 tỷ USD năm 2020, 33,9 tỷ USD năm 2021.

Dịch vụ: 12,8 tỷ USD năm 2020, 25,1 tỷ USD năm 2021.

Hàng hóa sản xuất bao gồm các thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, dược phẩm, ô tô, dụng cụ quang học. Nông sản bao gồm các loại hạt có dầu, thịt, ngũ cốc, bông, hải sản… Chi tiết cụ thể hơn như giá trị nhập khẩu đậu nành hay thịt lợn cụ thể…. không được đề cập. 

Bắc Kinh cam kết gì trong thỏa thuận Mỹ Trung vừa ký kết? - Ảnh 2.

Trung Quốc dự kiến tăng nhập khẩu 32 tỷ USD nông sản Mỹ trung 2 năm tiếp theo

Chuyên gia nhận định thỏa thuận “mong manh”

Hai phái đoàn thương mại Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất lễ ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 vào chiều 15/1 (giờ Mỹ) tại Nhà Trắng, qua đó tạm chấm dứt cuộc xung đột thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy vậy, các mức trừng phạt thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn được duy trì ít nhất cho đến cuối năm 2020.

Nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 còn bao gồm một số điều khoản nhượng bộ của Trung Quốc nhằm hạn chế các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ Mỹ mà Washington lên án lâu nay. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nhận định thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 nhìn chung “khá mong manh” và dễ đổ vỡ, vì những mâu thuẫn cốt lõi vẫn tồn tại và mặt trận chiến tranh công nghệ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hàng loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bao gồm gã khổng lồ viễn thông Huawei, nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới Hikvision… đều nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Nhà Trắng hiện đang nỗ lực tăng cường áp lực lên các nước đồng minh loại Huawei khỏi dự án xây dựng mạng viễn thông 5G thế hệ mới.

Aichi Amemiya, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Nomura cho biết Trung Quốc dường như quá tham vọng vào thỏa thuận giai đoạn 1. “Ví dụ, Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ trong 2 năm tới. Nhưng để đạt mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải cắt giảm nhập khẩu đáng kể từ các đối tác thương mại khác hoặc thực hiện cải cách trong nước để tăng nhu cầu”.

Cesar Rojas, chuyên gia kinh tế của Citigroup nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng căng thẳng sẽ vẫn tồn tại suốt năm 2020. Mỹ đã sử dụng thuế quan làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán giai đoạn 1, nhưng giờ đây có thể sẽ tiến tới những giải pháp nặng nề hơn nữa như siết chặt đầu tư vào Trung Quốc…”

Một mối quan ngại khác, căng thẳng Mỹ Trung hạ nhiệt nhưng tình hình thương mại thế giới chưa chắc đã ổn định do căng thẳng Mỹ - EU có dấu hiệu leo thang. Tờ Washington Post đưa tin hôm thứ Tư rằng Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với ô tô xuất xứ Châu Âu nếu các nước EU không cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục