Chính biến ở Myanmar: Nợ Trung Quốc đã giảm 26% dưới thời đảng của bà Suu Kyi nắm quyền

07/02/2021 10:46 GMT+7
Tờ Nikkei Asian Review mới đây vừa có bài phân tích chỉ ra rằng dưới thời chính phủ Myanmar do bà Aung San Suu Kyi nắm quyền cố vấn Nhà nước, quan hệ kinh tế giữa Myanmar và Trung Quốc đã suy yếu.

Trong 5 năm đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi - người vừa bị bắt hôm 1/2 trong vụ đảo chính của quân đội - nắm quyền lãnh đạo đất nước, nền kinh tế Myanmar đã mở rộng quan hệ với các đối tác phương Tây, kết quả là dư nợ với Trung Quốc giảm tới 26%. Trong khi đó, thương mại song phương với phương Tây tăng lên và thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm xuống đáng kể.

Đó là lý do vì sao Nikkei Asian Review lo ngại nếu Mỹ và châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Myanmar sau chính biến hồi đầu tháng này, đó sẽ là đòn giáng mạnh mẽ vào nền kinh tế Myanmar. Trong tình huống đó, chính quyền hiện tại của lực lượng quân đội nhiều khả năng sẽ xoay trục sang Trung Quốc - quốc gia vốn đang tìm cách bành trướng tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á. 

Chính biến ở Myanmar: Nợ Trung Quốc đã giảm 26% dưới thời đảng của bà Suu Kyi nắm quyền - Ảnh 1.

Myanmar: Nợ Trung Quốc đã giảm 26% dưới thời đảng của bà Suu Kyi nắm quyền

Theo Refinitiv, các khoản vay nợ mà Trung Quốc cung cấp cho 10 nước ASEAN liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường từ năm 2013 đến nay đã lên tới 304,1 tỷ USD. Trong đó, Myanmar, Lào và Campuchia là 3 quốc gia có số nợ Trung Quốc lớn nhất.

Dù khoản nợ của Myanmar hiện chỉ ở mức 21,7 tỷ USD, chưa bằng 1/3 khoản nợ của Myanmar, nhưng cả 3 quốc gia kể tên này đều cõng gánh nặng nợ và đầu tư từ Trung Quốc lên tới 1,6-2 lần tổng chi tiêu ngân sách hàng năm.

Có thể dễ dàng nhận thấy tầm ảnh hưởng kinh tế nặng nề của Trung Quốc ở một đất nước như Myanmar. Tại Yangon, nơi xe máy bị cấm, xe bus là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Hầu hết các xe bus này được sản xuất tại Trung Quốc.

Dù dòng chảy thương mại giữa Myanmar với Nhật Bản, Mỹ và châu Âu ngày càng tăng, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà xuất nhập khẩu lớn nhất, chiếm hơn 30% kim ngạch thương mại của đất nước.

Theo Ngân hàng Thế giới, gánh nặng nợ của Myanmar đối với Trung Quốc chỉ còn 3,34 tỷ USD vào cuối năm 2019, giảm 26% so với mức hồi cuối năm 2015, ngay trước khi chính quyền đảng NLD lên nắm quyền. Điều này trái ngược với mức tăng lần lượt 72% và 34% tại các nước láng giềng Lào và Campuchia trong với cùng kỳ. Rõ ràng, chính quyền NLD của Myanmar đã nhận thức sâu sắc một điều: nếu quốc gia này rơi vào tình trạng bẫy nợ, rất có thể chính phủ buộc phải giao các cơ sở hạ tầng quan trọng cho Bắc Kinh. 

Một ví dụ về sự thay đổi trong chính sách của Myanmar khi đảng NLD cầm quyền là kế hoạch sửa đổi để xây dựng một cảng ở Kyaukpyu, ven Ấn Độ Dương. Cảng được kết nối với hai đường ống dẫn dầu và khí đốt dài 870 km đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nếu các tàu lớn có thể vào cảng, dầu và khí đốt từ Trung Đông hay châu Phi có thể được vận chuyển thẳng đến nội địa Trung Quốc bằng đường ống này mà không cần đi qua eo biển Malacca, một điểm nghẽn địa chính trị.

Quy mô của dự án này ban đầu được lên kế hoạch là 7,2 tỷ USD nhưng đã giảm xuống còn 1,3 tỷ USD khi Myanmar đạt được thỏa thuận cơ bản vào tháng 11/2018. Một số chi tiết của dự án cũng được thay đổi theo yêu cầu của Myanmar .

Nhưng nỗ lực của Myanmar nhằm giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc không hề dễ dàng. Mới đây nhất, sau vụ chính biến, tập đoàn Kirin Holdings của Nhật Bản hôm 5/2 đã thông báo chấm dứt  hai liên doanh tại Myanmar. Nhiều chuyên gia chính trị đã cảnh báo các động thái mạnh tay từ những quốc gia dân chủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu có thể sẽ đẩy Myanmar lại gần Trung Quốc.

Nhìn chung, các quốc gia phương Tây và Nhật Bản đang đối mặt với thách thức khó khăn trong việc đưa ra một chính sách vừa ngăn Myanmar nghiêng về Trung Quốc vừa duy trì được quan điểm ủng hộ nền dân chủ trong nước.


NTTD
Cùng chuyên mục