Chính phủ báo cáo tỷ lệ nợ xấu

Trần Giang Thứ ba, ngày 16/05/2017 15:20 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Bình luận 0

Chính phủ đã chuẩn bị hồ sơ Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba khai mạc sáng 22.5 tới đây.  

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31.12.2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.  

Trong phần giải trình, Ngân hàng Nhà nước cho biết với tỷ lệ nợ xấu là 5,8% thì nợ xấu của TCTD được kiểm soát đặc biệt chỉ chiếm khoảng 30% nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD, 70% số nợ xấu còn lại là nợ xấu của TCTD khác.

“Như vậy, nếu không áp dụng Nghị quyết đối với 70% nợ xấu thì khó thực thực hiện được mục tiêu xử lý nhanh, triệt để nợ xấu, bảo đảm quyền chủ nợ theo  định hướng”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo thống kê của Dân Việt thông qua báo cáo tài chính quý I.2017 của 11 NHTM (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MB, VIB, Techcombank, SHB, Sacombank, ACB, Eximbank, VPBank) cho thấy tỷ lệ nợ xấu tăng lên so với cuối năm 2016.

img

Cụ thể, tổng số nợ xấu của 11 NHTM là 58.787 tỷ đồng, tăng 3.391 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với 27.005 tỷ đồng.

Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%. Đứng thứ hai là Eximbank với khoảng 3%. BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỷ lệ nợ xấu cao với 2,14%, đồng thời cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016.

img

Techcombank cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,89%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng gần 16%, lên hơn 2.600 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 1.506 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016.

Báo cáo tài chính quý I.2017 cũng cho thấy, lãi dự thu của 11 ngân hàng trên là 53.705 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2016.

img

Quá trình tổng kết của Chính phủ cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.

Thứ nhất, Luật Đất đai chỉ cho phép TCTD được nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã hạn chế quyền mua, bán nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các chủ thể khác không phải là TCTD; pháp luật hiện hành cho phép được mua, bán nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, nhưng chưa có quy định cụ thể về bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ... Các bất cập này cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD/VAMC.

Thứ hai, nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm như: quy định về xử lý vi phạm nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, quy định cho phép kê biên cả tài sản bảo đảm, quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản...

Thứ ba, thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng: 29% giá trị đòi nợ; chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18).

Trong khi đó pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Thứ tư, pháp luật về thuế, phí liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều quy định không hợp lý ảnh hưởng đến quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD. Các vướng mắc pháp lý nêu trên hầu hết liên quan đến quy định tại các Luật nên để xử lý các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao như hình thức nghị quyết hoặc luật của Quốc hội.

Theo lịch làm việc, sáng mai, ngày 17.5, tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội XIV sẽ có phiên thảo luận về xử lý nợ xấu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem