Chính phủ kêu việc khó tăng vốn của bốn "ông lớn" ngân hàng quốc doanh lên Quốc hội

20/10/2019 06:56 GMT+7
Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cho biết phương án tăng vốn cho 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank đang được xem xét. Tuy nhiên, với thực trạng tài chính như hiện tại, nhu cầu tăng vốn điều lệ của 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là rất cấp thiết...

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc, trong đó có một mục riêng về tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTM Nhà nước).

Bao gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Chính phủ báo cáo gì về bốn “ông lớn” ngân hàng quốc doanh lên Quốc hội - Ảnh 1.

Trích báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội

Báo cáo cho thấy, tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của khối NHTM Nhà nước đạt 4.785.986 tỷ đồng, tăng 341.419 tỷ đồng (7,7%) so với cuối năm 2017. Nguồn vốn chủ sở hữu đạt 232.324 tỷ đồng, tăng 21.216 tỷ đồng (10,1%) so cuối năm 2017. 

Vốn điều lệ 138.077 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước góp là 141.024 tỷ đồng. Dẫn đầu là BIDV với số vốn điều lệ 32.573 tỷ đồng; Agribank đứng vị trí thứ 2 với số vốn điều lệ 30.473 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 56.707 tỷ đồng. Hai "ông lớn" còn lại là Vietinbank và Vietcombank lần lượt là 24.001 tỷ đồng và 27.743 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 3.443.124 tỷ đồng, tăng 418.774 tỷ đồng (13,8%) so với 31/12/2017.

Nợ xấu (theo quy định tại thông tư 02/2013/TT-NHNN) năm 2018 là 53.294,7 tỷ đồng, chiếm 1,35% so với tổng nợ, tăng 0,15% so cuối năm 2017.

Vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng, đạt 3.704.484 tỷ đồng, tăng 390.484 tỷ đồng (11,8%) so với 31/12/2017.

Về kết quả kinh doanh, Chính phủ cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 40.852 tỷ đồng, tăng 8.587 tỷ đồng (26,6%) so cuối năm 2017.

Chỉ tiêu ROA (lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) riêng lẻ tương ứng là 0,68 % và 14,1%.

Chính phủ báo cáo gì về bốn “ông lớn” ngân hàng quốc doanh lên Quốc hội - Ảnh 2.

Trích báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội

Theo số liệu báo cáo, các ngân hàng không vi phạm các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn; tỷ lệ cho vay so tổng tiền gửi; tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ bình quân; tỷ lệ cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu so vốn điều lệ, Chính phủ thông tin.

Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất của 4 ngân hàng quốc doanh đều trên 9%. Trong đó, Vietcombank đứng đầu với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất đạt lần lượt là 11,42% và 12,14%. Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ dự trữ thanh khoản cao nhất (24,1%). Thấp nhất trong nhóm là Vietinbank với tỷ lệ 13,39%.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn giao động trong khoảng 27,4% đến 32,99%.

Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân tại Vietcombank vượt 15%, đạt 15,9%, trong khi tỷ lệ này tại Vietinbank dưới 5%.

Trong năm 2018, số thu từ đầu tư, góp vốn mua cổ phần và đầu tư dài hạn của các NHTM Nhà nước đạt 3.015,5 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank 523 tỷ đồng; BIDV 2018 đạt 273 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ tức đạt 221 tỷ đồng; và Vietcombank đạt 2.219,5 tỷ đồng, cổ tức cho cổ đông còn lại là 657,1 tỷ đồng.

Các ngân hàng khối này cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Đến cuối năm 2018, số nộp thuế của cả khối Ngân hàng thương mại nhà nước vào ngân sách nhà nước là: 8.908,4 tỷ đồng, trong đó Vietinbank đạt 2.190 tỷ đồng; BIDV đạt 3.090 tỷ đồng; Vietcombank đạt 2.219,48 tỷ đồng và Agribank đạt 1.409 tỷ đồng.

Khẳng định vốn đầu tư Nhà nước tiếp tục được bảo toàn và sinh lời, báo cáo cho biết vốn chủ sở hữu tăng khoảng 10,1% so với cuối năm 2017, trong đó vốn điều lệ tăng nhẹ 119 tỷ đồng (0,1%) so cuối năm 2017.

Về phương án tăng vốn cho các NHTM Nhà nước, đang tiếp tục được trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, "Với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước là rất cấp thiết, đặc biệt trong thời gian tới, các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo thông tư 41/2016/TT-NHNN và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm giữ mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại".

Cũng phải nói thêm rằng, hiện tại phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng cũng như áp lực tăng chi phí vốn do thực hiện các biện pháp bù đắp nhu cầu nâng cao năng lực tài chính như phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn. Cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ và các phân khúc có khả năng sinh lời cao.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058), biết Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, mặc dù đã thành công phát hành riêng lẻ cho NĐT nước ngoài nhưng so với kế hoạch đề ra thì nhu cầu tăng vốn của Vietcombank vẫn còn lớn.

Còn tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, nếu không được bổ sung vốn thì nhà băng này sẽ khó cấp vốn tới nền kinh tế vào năm 2020 tới đây.

Đây cũng là khó khăn của các ngân hàng đã được Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị đi kiến nghị lại nhiều lần.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục