Cuộc đua vốn điều lệ, Vietinbank dẫn đầu hệ thống

15/10/2019 08:18 GMT+7
Các ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước thông báo sửa đổi nội dung về vốn điều lệ mới bao gồm Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng Phương Đông (OCB) và SeABank của bà Lê Thu Thủy. Tính đến cuối tháng 6/2019, Vietinbank là nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với trên 37.200 tỷ đồng.
Cuộc đua vốn điều lệ, Vietinbank dẫn đầu hệ thống  - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng được tăng vốn điều lệ

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có quyết định về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ của hai ngân hàng thương mại cổ phần gồm Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng Phương Đông (OCB).

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, vốn điều lệ của VIB hiện nay là 9.245 tỷ đồng, thay vì mức 7.834 tỷ đồng như trước đó. So với số vốn hiện tại, mức vốn điều chỉnh của nhà băng này tăng thêm khoảng 1.410 tỷ.

Tương tự, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng. Trước đó, cuối quý II/2019, vốn điều lệ của OCB là 6.599 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc tăng vốn điều lệ của nhà băng này được thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu. Trong khi, VIB đã phát hành hơn 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 18%.

Trước đó, một ngân hàng khác là SeABank cũng đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng sau khi chào bán 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với vốn điều lệ mới, SeABank nằm trong nhóm 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

BIDV thì cho biết sẽ hoàn thành tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank và dự kiến nhận tiền về trong tháng 10 năm nay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) vừa rồi cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng vốn lên mức 5.000 tỷ đồng trong năm nay, nhà băng này cần phải huy động thêm 1.110 tỷ đồng nữa mới kịp về đích.

Việc các ngân hàng thương mại trong nước đồng loạt tăng vốn thời gian qua nằm trong kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn Basel II, dự kiến muộn nhất đến năm 2020.

Theo lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Với tiêu chuẩn này, các ngân hàng thương mại phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%. Hiện tại, theo Ngân hàng Nhà nước, hệ số CAR của nhiều ngân hàng đã đạt trên 9% nhưng nếu tính theo cách mới quy định tại Thông tư 41 thì con số này chỉ là 6-7%. Do đó, hầu hết ngân hàng trong hệ thống hiện nay đều phải tăng vốn từ nay đến cuối năm.

Tính đến hết quý II/2019, VietinBank là "ông lớn" đang dẫn đầu toàn ngành về vốn điều lệ với 37.234 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Vietcombank, Techcombank, BIDV, Agribank với vốn điều lệ cuối tháng 6/2019 tương ứng 37.089 tỷ đồng, 34.966 tỷ đồng, 34.187 tỷ đồng và 30.496 tỷ.

Trong 5 năm gần đây, Techcombank và Vietcombank là 2 ngân hàng được tăng vốn nhiều nhất. So với đầu năm 2015, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank tăng hơn 10.400 tỷ (tương đương tăng hơn 39%); còn Techcombank tăng tới gần 4 lần trong 5 năm qua.

Sự tăng vọt của Techcombank đến từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:2 trong năm 2018 sau khi ngân hàng này niêm yết trên sàn HOSE. Đây lần đầu tiên của một ngân hàng tư nhân có vị trí trong top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất.

Còn tại Vietcombank, năm 2016, ngân hàng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%( tương đương hơn 9.300 tỷ đồng) và gần đây, đầu năm 2019, vốn điều lệ của ngân hàng tăng hơn 1.000 tỷ nhờ phát hành cổ phiếu cho GIC và Mizuho Bank.

Hiện trong hệ thống còn 8 ngân hàng có vốn điều lệ chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn so với mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng), trong đó có 2 ngân hàng được NHNN mua lại "0 đồng" là CBBank (3.000 tỷ) và Gpbank (3.018 tỷ). Ngoài ra, một số ngân hàng khác có vốn điều lệ xấp xỉ mức 3.000 tỷ là PGBank, Saigonbank, BaoVietBank, VietCapitalBank, Kienlongbank...

Lê Thúy
Cùng chuyên mục