Chính phủ tăng thuế tiêu dùng, doanh số bán lẻ Nhật Bản chạm đáy 4 năm
Kể từ 1/10/2019, Chính phủ Nhật Bản đã tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% trong bối cảnh đất nước phải vật lộn với gánh nặng nợ công bằng 200% GDP. Quyết định tăng thuế đã bị trì hoãn 2 lần trước đó do cảnh báo của các nhà phân tích về rủi ro nền kinh tế mất đi động lực tăng trưởng trong bối cảnh kim ngạch thương mại sụt giảm nghiêm trọng.
Đúng như cảnh báo, doanh số bán lẻ tháng đầu tiên thực hiện tăng thuế đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu các mặt hàng xe ô tô, đồ gia dụng, quần áo… suy yếu nhanh chóng. Dữ liệu của Bộ Thương mại Nhật Bản chỉ ra doanh số các cửa hàng bách hóa trên toàn quốc đã giảm mạnh mẽ trong tháng 10. Mức giảm 7,1% được xem là tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2015 đến nay, vượt quá cả dự báo 4,4% của các nhà phân tích. Lần tăng thuế tiêu dùng gần nhất hồi tháng 4/2014, doanh số bán lẻ chỉ giảm 4,3%.
Một nguyên nhân khác khiến doanh số bán lẻ tháng 10 suy yếu là do cơn bão lớn càn quét miền trung - đông Nhật Bản và làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực từ tăng thuế tiêu dùng.
Như vậy, trong bối cảnh kinh tế Nhật lao đao trong suốt quý III, doanh số bán lẻ lao dốc mạnh trong tháng 10 tiếp tục vẽ ra viễn cảnh ảm đạm cho tăng trưởng quý IV. Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật đã phải xem xét một gói chi tiêu lớn để kích thích sự phục hồi kinh tế vốn đang trì trệ suốt nhiều tháng qua.
Một tin tích cực là theo các nhà hoạch định chính sách, lần tăng thuế hồi tháng 10 thực chấy không có tác động quá mạnh mẽ đến nền kinh tế như lần tăng thuế từ 5% lên 8% hồi năm 2014. Khi đó, hầu hết các hộ gia đình đã thắt chặt hầu bao từ trước khi quyết định tăng thuế có hiệu lực, nên tác động trong tháng tăng thuế có vẻ ít hơn nhưng xét trên tác động chung trong năm tài chính thì hoàn toàn ngược lại.
Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản BOJ được cho là đang xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trên thế giới như BOA, PBOC… cắt giảm lãi suất và tung gói kích thích kinh tế.
Nền kinh tế Nhật Bản trong suốt nhiều tháng qua đã phải chịu áp lực nặng nề từ những bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. Trong khi thương chiến Mỹ Trung khiến kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước giảm mạnh thì cuộc xung đột thương mại Nhật Hàn cũng có nguy cơ cắt đứt chuỗi cung ứng công nghệ giữa hai nước láng giềng, đầy kinh tế Nhật vào rủi ro suy thoái.