Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 3 năm

20/11/2019 11:10 GMT+7
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10 chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm, thổi bùng nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường Mỹ và Trung Quốc đều giảm đi rõ rệt.
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 3 năm  - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 3 năm

Dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm 20/11 cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10 đã giảm tới 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lớn hơn mức giảm ước tính 7,6% do các nhà kinh tế Reuters dự báo hồi đầu tháng. Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh được cho là do sự suy yếu của các lô hàng ô tô, phụ tùng ô tô và động cơ máy bay đến Mỹ. Ngoài ra, số đơn hàng vật liệu nhựa đến Trung Quốc cũng giảm tốc rõ rệt, thúc đẩy mức giảm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong vòng 3 năm vừa qua.

Xét trên góc độ khu vực, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản - đã giảm mạnh 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp chứng kiến sự suy yếu trong các lô hàng nhựa và phụ tùng xe hơi sang thị trường tỷ dân.

Kim ngạch xuất khẩu sang khu vực Châu Á vốn chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản thì giảm tới 11,2% so với cùng kỳ năm 2018, tháng thứ 12 liên tiếp chứng kiến sự suy giảm. 

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, do sự giảm cầu các đơn hàng ô tô phân khối 2.000-3.000cc, động cơ máy bay...

Như vậy, tính đến hết tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm của Nhật Bản đã giảm tới 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kim ngạch nhập khẩu của Nhật trong tháng 10 cũng giảm mạnh 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên mức giảm này vẫn chưa tệ như dự đoán 16% của các nhà phân tích.

Kết thúc tháng 10, thặng dư thương mại của Nhật Bản hiện đạt 17,3 tỷ JPY.

Dữ liệu từ Bộ Tài chính liên quan đến ước tính GDP năm 2019 cũng cho thấy sự tăng trưởng GDP tồi tệ nhất trong quý III vừa qua, do nhu cầu nhập khẩu của các đối tác thương mại đồng loạt giảm. Với một nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Nhật Bản, việc kim ngạch xuất khẩu giảm sút có nguy cơ lớn gây ra suy thoái, nhất là trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu có nguy cơ bùng nổ và leo thang.

Các nhà lập pháp Nhật Bản mới đây đang nỗ lực kêu gọi Chính phủ tăng chi tiêu lên tới 10.000 tỷ JPY (khoảng 92,08 tỷ NDT) trong năm tài chính để kích thích nền kinh tế khi mà áp lực từ việc tăng thuế bán hàng đang khiến kinh doanh và tiêu dùng chững lại. Chính phủ Nhật Bản cũng tiết lộ về kế hoạch tung các gói kích thích trong thời gian sớm nhất như một biện pháp đối phó với hàng loạt rủi ro địa chính trị đang gia tăng ở nước ngoài.

Hôm 19/11, Hạ viện Nhật Bản (còn gọi là Chúng Nghị viện) đã thông qua thỏa thuận thương mại một phần mà Thủ tướng Shinzo Abe thảo luận với Mỹ, qua đón dọn đường cho việc dỡ bỏ thuế quan đánh lên nông sản Mỹ và máy công cụ Nhật Bản. Tuy nhiên, thỏa thuận sẽ phải được sự nhất trí của Thượng viện (tức Tham Nghị viện) trước khi chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2020.

Đáng nói là thỏa thuận này bị các Đảng đối lập chỉ trích chưa rõ ràng, còn nhiều mơ hồ khi không đề cập đến mức thuế ô tô vốn là mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định đã đạt được cam kết không áp thuế ô tô từ Mỹ, phía Nhà Trắng lại muốn đưa các cuộc thảo luận về thuế ô tô sang thỏa thuận thương mại giai đoạn tiếp theo. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục