Chính sách "anti" Trung Quốc: Lá bài tẩy giúp Trump tái đắc cử

12/08/2020 12:13 GMT+7
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 tới, Tổng thống Donald Trump đã không ngừng tăng cường lập trường chống Trung Quốc nhằm giành lại ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước ứng viên đối thủ Joe Biden.
Chính sách "anti" Trung Quốc: lá bài tẩy giúp Trump tái đắc cử - Ảnh 1.

Quan điểm "anti" Trung Quốc sẽ là nước cờ giúp Trump tái đắc cử?

Hồi tuần trước, Trump ký lệnh hành pháp cấm mọi công dân và doanh nghiệp Mỹ giao dịch với TikTok và WeChat trong vòng 45 ngày. Trump cũng ra tối hậu thư buộc ByteDance phải bán mảng hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hay bất kỳ công ty Mỹ nào trước 15/9 hoặc sẽ bị cấm cửa.

Gần đây nhất, hôm 7/8, chính quyền Trump “làm căng” với Bắc Kinh khi áp đặt lệnh trừng phạt với những quan chức cấp cao Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến cuộc đàn áp của Bắc Kinh tại Hồng Kông, bao gồm nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam. 

Nhiều nhà quan sát dự đoán động thái tiếp theo của chính quyền Trump có thể sẽ là một mức thuế trừng phạt mới với Trung Quốc khi Bắc Kinh không hoàn thành những gì đã cam kết trong thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 ký hôm 15/1/2020. Một hành động như vậy có thể sẽ thêm nhiệt cho chiến dịch tranh cử của Trump, giúp ông lấy lại lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng vốn đang bị dẫn trước bởi ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Nhưng mặt khác, nó cũng có nguy cơ làm bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã kéo dài suốt 2 năm qua.

Hồi tháng 1/2020, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 làm hạ nhiệt xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh đã đồng ý tăng mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc trong vòng 2 năm 2020-2021. 

Theo thỏa thuận này, Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu ít nất 63,9 tỷ USD hàng hóa trong năm nay, so với mức nhập khẩu hồi năm 2017 trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ. Nhưng các thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 đã giảm tới 4% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu làm gián đoạn nhiều hoạt động thương mại. 

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho đến nay, Bắc Kinh mới chỉ thực hiện được khoảng 46% so với mức mục tiêu quy định trong thỏa thuận thương mại tính đến hết tháng 6/2020.

Thời điểm giữa tháng 8/2020 sẽ đánh dấu mốc 6 tháng kể từ khi thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 chính thức có hiệu lực. Hai bên đã thống nhất sẽ tổ chức các cuộc đánh giá cấp cao 6 tháng một lần về tiến độ thực hiện thỏa thuận. Và đại diện Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer được cho là sẽ có cuộc thảo luận trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong tuần này như đã thống nhất trước đó.

Một khi Trung Quốc thừa nhận không thực hiện đúng cam kết đã hứa, ông Trump - người từ lâu đã bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn về tiến độ thực hiện thỏa thuận của Trung Quốc - có thể sẽ lập tức áp đặt thuế quan trừng phạt. Một nước đi cứng rắn như vậy có thể tạo cơ hội cho ông Trump giành lại lợi thế khi so sánh với chính sách bất đồng của ứng viên Đảng Dân chủ Donald Trump.

Nhiều nhà phân tích chỉ ra ông Trump đang nỗ lực “tô vẽ” hình ảnh Joe Biden như một ứng viên tranh cử Tổng thống có quan điểm mềm mỏng với Bắc Kinh. Lâu nay, vị đương kim Tổng thống Mỹ đã lặp lại một tuyên bố gây tranh cãi rằng Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden đã giành được hợp đồng đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD từ một công ty con của Ngân hàng Trung Quốc sau chuyến thăm ngoại giao đến Bắc Kinh năm 2013 - thời điểm ông Joe Biden còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ. 

Ông Trump cũng nhấn mạnh việc ông Biden từ năm 2011 đã tổ chức các cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, lúc đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc để kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ. 

Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của chính quyền Trump thời gian qua. Hiện Nhà Trắng đang xem xét hủy niêm yết nhiều công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ nếu các công ty này không tuân thủ quy định kiểm toán ngặt nghèo của cơ quan chức năng Mỹ. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục