Quá nhiều bê bối tại dự án thành phố biên giới do Trung Quốc tài trợ tại Myanmar

12/08/2020 10:35 GMT+7
Dự án phát triển khu đô thị Shwe Kokko trị giá 15 tỷ USD ở Myanmar, gần biên giới Thái Lan ngay từ khi vừa được phê duyệt đã gây nhiều tranh cãi. Giờ đây, khi các sòng bạc mọc lên, chính phủ Myanmar tiếp tục đối diện với áp lực lớn.
Quá nhiều bê bối tại dự án thành phố biên giới do Trung Quốc tài trợ tại Myanmar - Ảnh 1.

Một công trình dang dở tại Shwe Kokko

Theo nhà phát triển bất động sản Yatai International Holdings Group có trụ sở tại Hồng Kông, thành phố mới Shwe Kokko (Myanmar) do Trung Quốc tài trợ phát triển nằm khu vực gần biên giới với Thái Lan. Thành phố có diện tích khoảng 120 km2 với đầy đủ các tiện ích khu nghỉ dưỡng và tiện ích tài chính. Nhưng cho đến nay, giọng điệu bất đồng của các bên tham gia dự án bao gồm nhà phát triển Yatai và chính phủ Trung Quốc đã làm nổi bật mối quan ngại lớn xoay quanh dự án Shwe Kokko.

Yatai International Holdings Group khẳng định dự án này là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng nhằm phát triển các tuyến đường thương mại trên bộ và trên biển nối liền Châu Á, Trung Đông với Châu Phi và Châu Âu. Nhưng hồi tháng trước, trong cuộc họp với Tướng Min Aung Hlaing, một chỉ huy quân đội của Myanmar, phía Bắc Kinh đã phủ nhận việc Shwe Kokko là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường, qua đó làm rộ lên những tranh cãi.

Một điều đáng nói là nhà phát triển Yatai không bị ràng buộc trong việc tuân thủ các quy tắc đầu tư ở dự án Shwe Kokko, do thành phố này nằm trong bang Karen, vùng lãnh thổ hiện là nơi sinh sống của các phiến quân sắc tộc Karen. Phiến quân này hiện đã ký lệnh ngừng bắn với chính quyền Myanmar, nhưng đối tác địa phương của Yatai lại là một công ty có mối liên hệ mật thiết với phiên quân, do đó làm giới hạn vai trò của chính quyền trung ương và quân đội.

Một đại diện của tập đoàn Yatai thì thừa nhận quy mô của khu đô thị biên giới này đang vượt quá giấy phép ban đầu. “Chúng tôi hiện đã ngừng xây dựng để chờ đợi một giấy phép khác từ Ủy ban Đầu tư Myanmar”.

Không chỉ vấn đề quy mô gây tranh cãi, thành phố biên giới Shwe Kokko còn có nhiều tồn đọng hơn thế. Hồi năm ngoái, nhiều phương tiện truyền thông địa phương cho hay các sòng bạc đã bắt đầu hoạt động tại Shwe Kokko, đứng sau là các nhà điều hành sòng bạc trực tuyến đã bị quét khỏi Campuchia và Trung Quốc. 

Từ góc độ người dân địa phương, họ cho hay không nhận được lợi ích nào từ dự án đô thị Shwe Kokko do chủ đầu tư Trung Quốc đứng sau, bởi người ta đã đưa lượng lớn công nhân từ Trung Quốc đến đây để hoàn thành các công trình.

Những thông tin dư luận tiêu cực xoay quanh dự án Shwe Kokko đã buộc chính phủ Myanmar phải hành động. Đến tháng 6 vừa qua, chính phủ nước này công bố kế hoạch thành lập cơ quan điều tra các sòng bạc bất hợp pháp mọc lên tại thành phố Shwe Kokko. Các quan chức Myanmar tuyên bố họ không còn chấp nhận các khoản đầu tư thiếu minh bạch (từ các nhà đầu tư Trung Quốc).

Từ lâu, các nhà đầu tư và các dự án Trung Quốc đã không được người Myanmar chào đón. Nhiều dự án trong đó bị phản đối mạnh mẽ đến mức chính quyền địa phương phải đình chỉ để xem xét lại, dù phía Trung Quốc nhiều lần tạo áp lực tái khởi động dự án. Một minh chứng tiêu biểu là nhà máy thủy điện khổng lồ tại Myitsone ở miền Bắc Myanmar hay một mỏ đồng do Trung Quốc điều hành tại Monywa, miền Trung Myanmar.

Chưa kể, giới quan sát còn lo ngại nguy cơ sập bẫy nợ Bắc Kinh từ những dự án đầu tư như vậy, các khoản hỗ trợ phát triển của Trung Quốc đa số đến từ khoản vay thay vì viện trợ không hoàn lại cùng nhiều điều kiện ràng buộc ngặt nghèo như chủ thầu Trung Quốc. Khi nước nhận khoản vay mất khả năng thanh toán nợ, chính phủ buộc phải gán tài sản quốc gia cho Bắc Kinh để trả nợ. Bài học đau đớn từ Sri Lanka, quốc gia đã buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng của mình trong thời hạn 99 năm để bù lại khoản nợ không trả được, là lời cảnh báo sâu sắc cho những chính phủ muốn nhận hỗ trợ từ Bắc Kinh.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục