Chịu tác động từ làn sóng dịch tại Đông Nam Á, các hãng ô tô Nhật Bản cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu xe

12/09/2021 16:53 GMT+7
Hãng ô tô Nhật Bản chịu tác động lớn nhất của làn sóng dịch ở Đông Nam Á phải kể tới Suzuki Motor. Hãng này đang hướng tới mức cắt giảm sản lượng khoảng 350.000 xe, tương đương 10% tổng sản lượng trong năm tài chính 2020.

6 nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản dự kiến sẽ cắt giảm sản xuất tổng cộng 1 triệu xe trong năm tài chính 2021, mức giảm tương đương năm 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Nguyên nhân lớn nhất tác động đến mức cắt giảm sâu như vậy được cho là do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở một số quốc gia Đông Nam Á trong làn sóng dịch gần nhất do biến thể Delta gây ra.

Toyota Motor đang điều chỉnh hạ dự báo sản lượng toàn cầu cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020 khoảng 3% xuống còn 9 triệu chiếc. Nissan Motor đã công bố kế hoạch giảm sản lượng 250.000 chiếc và Honda Motor dự kiến doanh số sẽ giảm khoảng 150.000 chiếc do việc cắt giảm sản lượng.

Chịu tác động từ làn sóng dịch tại Đông Nam Á, các hãng ô tô Nhật Bản cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu xe - Ảnh 1.

Chịu tác động từ làn sóng dịch tại Đông Nam Á, các hãng ô tô Nhật Bản cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu xe (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Nhưng hãng ô tô Nhật Bản chịu tác động lớn nhất của làn sóng dịch lần này phải kể tới Suzuki Motor. Hãng này đang hướng tới mức cắt giảm sản lượng khoảng 350.000 xe, tương đương 10% tổng sản lượng trong năm tài chính 2020. Suzuki Motor hiện đang đối mặt với khó khăn lớn trong việc tìm kiếm nguồn cung chip bán dẫn ổn định trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip toàn cầu chưa có dấu hiệu kết thúc. Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Suzuki dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động một số nhà máy tại Nhật Bản, Thái Lan và Hungary. Các nhà máy tại Ấn Độ - chiếm phần lớn công suất của Suzuki, dự kiến sẽ hoạt động ở mức khoảng 40% công suất thông thường.

Mazda Motor, Mitsubishi Motors và Subaru cũng đã công bố mức cắt giảm của riêng từng hãng. Theo đó, tổng mức cắt giảm của 6 hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản đã công bố lên tới 1,05 triệu xe.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Toyota và các hãng xe này phải cắt giảm sản lượng sâu như vậy là do nhà máy STMicroelectronics ở Malaysia ngừng hoạt động, theo các nguồn tin từ Toyota. Công ty này cung cấp bộ vi điều khiển ô tô cho các nhà máy sản xuất và lắp ráp của Toyota, nhưng đợt bùng phát dịch mới đây tại Malaysia đã khiến nhà máy phải ngừng hoạt động. Các bộ phận, linh kiện như phanh xe thiếu hụt buộc hãng phải giảm sản lượng xe thành phẩm. Đại diện STMicroelectronics cho biết các đơn đặt hàng tồn đọng kéo dài tới 18 tháng và hãng không thể đáp ứng kịp nhu cầu trong hoàn cảnh bất ổn như hiện tại.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng góp phần quan trọng vào chuỗi cung ứng chip ô tô trong những năm gần đây. Chẳng hạn, hãng linh kiện công nghiệp Bosch của Đức - đối tác của nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản - có tới 7 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và sản phẩm khác đặt tại khu vực này. Một công ty Đức sản xuất chip ô tô, Infineon Technologies cũng phải ạm ngừng sản xuất nhà máy ở Malacca, miền nam Malaysia khoảng 20 ngày do tình hình dịch bệnh. 

Không riêng các hãng ô tô Nhật Bản, nhiều hãng ô tô lớn trên toàn cầu cũng đang dần cảm nhận được tác động từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở nhiều nước Đông Nam Á hiện tại.  General Motors đã đình chỉ hoạt động 8 nhà máy lắp ráp xe ở Bắc Mỹ, tương đương 50% tổng số nhà máy trong khu vực, trong thời gian từ 1-4 tuần kể từ ngày 6/9 do thiếu linh kiện. Hãng Renault của Pháp cũng đã ngừng hoạt động một số nhà máy ở Tây Ban Nha trong vòng 60 ngày do nguyên nhân tương tự. Vào cuối tháng 8, Volkswagen của Đức cũng tuyên bố một đợt cắt giảm sản lượng tiếp theo với nhà máy ở Wolfsburg. 

Một lý do phổ biến dẫn đến hàng loạt động thái này là cuộc khủng hoảng thiếu chip ngày càng trở nên nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh ở Đông Nam Á. 

Theo ước tính của một công ty nghiên cứu của Mỹ trong tháng này, sản lượng ô tô toàn cầu sản xuất trong năm 2021 sẽ giảm xuống 80 triệu chiếc, tương đương giảm khoảng 6% so với dự đoán ban đầu, qua đó thổi bay khoảng 130 tỷ USD doanh thu. Ảnh hưởng sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu các hãng tiếp tục cắt giảm quy mô lớn như Toyota.


NTTD
Cùng chuyên mục