Chợ thương mại điện tử Amazon: Nông sản Việt được lợi gì?

02/09/2019 08:05 GMT+7
Chợ thương mại điện tử ra đời là một bước đột phá với việc tiêu thụ nông sản Việt Nam. Việc quảng bá, tiếp cận với một lượng lớn khách hàng trong một thời gian ngắn và khách hàng cũng nắm bắt được những thông tin chi tiết của sản phẩm là một trong những ưu điểm nổi trội của phương thức kinh doanh này.

Chợ thương mại điện tử tại Việt Nam

Theo đó, ứng dụng chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn là một công cụ thông tin toàn diện về thị trường hàng hóa, bao gồm mua và bán; cung cấp các thông tin về mặt hàng, nguồn hàng, nguồn cung nông sản thực phẩm; các quy trình sản xuất chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, thông tin về nhà sản xuất nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và phân phối sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và chế biến; kiểm dịch, kiểm định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; tư vấn dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng...

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, internet và thông tin mạng phát triển bùng nổ giúp con người dễ dàng kết nối, giao tiếp với nhau thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển. 

Trong 3 năm trở lại đây, thương mại điện tử ngày càng phổ biến với người kinh doanh thành thị, thậm chí nhiều nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu. Tuy nhiên, ở nông thôn, đây vẫn là sân chơi mới lạ. Với những người đã quen thuộc với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để phát triển trên sân chơi này vẫn còn rất hạn chế.

Gần đây, hơn 10.000 người theo dõi livestream bán hàng trong 1 giờ đồng hồ trên mạng xã hội, gần 2.000 sản phẩm được bán ra nhanh chóng chỉ trong 1 ngày duy nhất lên sàn thương mại điện tử là những kết quả ấn tượng của chương trình "Ngày của Làng dừa Bến Tre online". Đây được xem là "phát súng mở màn" đầy ấn tượng mà Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khởi xướng với mục đích đưa các đặc sản nông sản Việt Nam kinh doanh trực tuyến theo xu hướng 4.0.

Chương trình "Ngày của Làng dừa Bến Tre online"

Tuy nhiên để khai thác triệt để ưu thế thì thương mại điện tử, nhất là quảng bá thương hiệu và liên kết đối tác thì không phải ai cũng làm được. Hiện mới chỉ có 35% doanh nghiệp Việt thiết lập được quan hệ đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến, còn quá khiêm tốn so với 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Kì vọng xuất khẩu hàng Việt qua sàn thương mại điện tử Amazon

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới thông qua nền tảng thương mại điện tử, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử; trong đó có Amazon. Đây chính là giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với thời gian, chi phí thấp nhất.

Amazon chính là giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với thời gian, chi phí thấp nhất.

Chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm, thậm chí khi muốn mua hàng từ website khác, 80% khách hàng vẫn đọc nhận xét và so sánh giá bán tại Amazon để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Chính vì vậy, việc tận dụng nền tảng thương mại và số lượng khách hàng sẵn có của Amazon sẽ giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình đến với các nhà phân phối và người tiêu dùng một cách nhanh chóng, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí. Qua đó, từng bước giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ra phạm vi toàn cầu. 

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận và duy trì được hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm đã cam kết với sàn và chấp nhận sự cạnh tranh  trực tiếp từ những sản phẩm tương tự ngay trên một nền tảng bán hàng.

Để các mặt hàng nông sản có chỗ đứng, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số, Bộ Công Thương cũng như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cần tích cực khuyến khích các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước áp dụng nhiều chính sách ưu đãi trợ phí vận chuyển, tạo không gian nổi bật, giảm giá... để tạo thuận lợi cho đặc sản Việt Nam lên sàn thành công.

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục