Cho vay bất động sản vẫn nằm trong “tầm ngắm”
Số liệu trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng dần lên trong từng quý trong năm 2020.
Cụ thể, quý I/2020 dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chỉ đạt 526,396 tỷ đồng thì đến quý II con số này đã tăng lên 580,186 tỷ đồng. Quý III là 606,253 và quý IV là 633,470 tỷ đồng.
Ngân hàng vẫn mạnh tay rót vốn cho vay bất động sản
Tại báo cáo tài chính quý IV của các ngân hàng cũng cho thấy, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh dư nợ và tỷ trọng cho vay bất động sản trong danh mục cho vay.
Đơn cử như tại VPBank, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà tăng từ mức 27.319 tỷ đồng lên 36.335 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, tương ứng tỷ trọng cho vay mảng này trong tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng lên 12,49%, từ mức 10,63% của năm 2019.
Dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cũng gia tăng lên gần 37.000 tỷ đồng, chiếm tới 12,7% tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank cuối năm 2020.
Tại MB, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng lần lượt 23,5% và 75% so với năm 2019.
Hay như tại SHB, kinh doanh bất động sản tăng từ 22.302 tỷ đồng dư nợ lên 23.671 tỷ đồng. Dư nợ này cũng tăng từ 988 tỷ lên 1.581 tỷ động tại PG Bank.
Hiện làn sóng rót vốn vào bất động sản vẫn chưa dừng lại khi nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà, khiến dòng tiền vẫn luồn lách, đổ vào bất động sản ngày một gia tăng. Có ngân hàng áp mức lãi suất 5,9%/năm nếu ưu đãi trong 3 tháng, từ 6,79%/năm nếu cố định trong 6 tháng hoặc từ 7,6%/năm nếu cố định trong 12 tháng đầu tiên. Còn lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính toán dựa trên một mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm biên độ 3 - 4% tùy từng ngân hàng cũng chỉ khoảng 9 - 10%, giảm 1 - 2%/năm so với trước.
Ví dụ, giữa tháng 1/2021, BIDV đã tung ra gói vay vốn trung dài hạn mới với quy mô 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên, trường hợp cố định lãi suất 12 tháng hoặc 18 tháng lãi suất từ 7,5 - 7,9%/năm; nếu cố định trong 36 tháng, lãi suất là 9%/năm.
Trong tháng 2, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm; lãi suất sau ưu đãi sẽ được tính theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng + biên độ 3%. Còn Shinhan Bank giảm lãi suất từ 6,9%/năm xuống 6,7%/năm. Sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất vay mua nhà sẽ được thả nổi với biên độ 3,9%.
Trước đó, dư nợ cho vay bất động sản tại các ngân hàng được ghi nhận đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại báo cáo gửi Quốc hội, có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chảy vào kênh bất động sản. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ cho vay bất động sản.
Cho vay bất động sản vẫn nằm trong "tầm ngắm"
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay đang thấp nên nhiều người vay để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản..., điều này dễ dẫn đến nguy cơ "bong bóng" bất động sản. Vì vậy, ngân hàng cho vay phải đảm bảo nguyên tắc thu hồi được nợ gốc và tiền lãi. Trong bối cảnh lãi suất cho vay đang đổ mạnh vào bất động sản, NHNN cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào lĩnh vực này "núp bóng" qua sản xuất kinh doanh.
Về phía NHNN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, cho vay bất động sản vẫn luôn nằm trong "tầm ngắm" của NHNN.
Theo đó, ngoài chính sách lùi thời hạn "siết" tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 1 năm so với quy định cũ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Trong đó, tập trung vào các chỉ số an toàn, cả vi mô và vĩ mô, giảm lãi suất cho vay có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
"NHNN sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong cho vay tiêu dùng, kể cả tiêu dùng bất động sản… Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn rủi ro, do đó, NHNN luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững", đại diện NHNN nói.