Chưa bị cạnh tranh vì bỏ thuế, đường "nội" đã điêu đứng vì đường lậu

30/08/2019 17:08 GMT+7
Trong bối cảnh ngành mía đường đang đứng trước vô vàn khó khăn khi sản phẩm nội địa khó tiêu thụ, sản lượng tồn kho lớn, nhiều nông dân phá sản, doanh nghiệp đóng cửa thì những sức ép từ đường lậu dường như đang đẩy đường Việt Nam vào bước đường cùng.

Đường lậu tăng theo cấp số nhân

Các đối tượng vận chuyển đường lậu rất tinh vi và khó để các cơ quan chức năng có thể phát hiện, xử lí. Thiếu tá Huỳnh Thanh Tâm - Đồn trưởng đồn biên phòng Vĩnh Ngươn - An Giang nói: "Đa số các đối tượng buôn lậu thường hoạt động vào ban đêm, mùa này các đối tượng thường đi bằng các vỏ lãi rất nhỏ".

Hàng trăm nghìn tấn đường nhập lậu được vận chuyển vào Việt Nam

Các phương tiện, phương thức và thủ đoạn vận chuyển đường lậu được thay đổi thường xuyên và ngày càng tinh vi. Không chỉ bằng vận tải mà được tất cả các phương tiện đều được huy động, thậm chí là mang vác qua biên giới.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường nhập lậu vào nước ta đang tăng theo cấp số nhân.

 

Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay: "Tình trạng đường nhập lậu vào Việt Nam không phải bây giờ mới có mà đã kéo dài nhiều năm, nhưng năm nay tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong nước. Các nhà máy sản xuất đường tiêu thụ rất chậm, thậm chí giá bằng đường lậu. Ngành đường đã nhìn thấy đường lậu đã thay thế đường trong nước".

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường, hàng năm Việt Nam sản xuất trung bình 1,4 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu thị trường từ 1,5 - 1,7 triệu tấn. Nghịch lý ở chỗ trong khi cung không đủ cầu nhưng các nhà máy đường luôn bị tồn kho. Nguyên nhân lớn nhất chính vì đường nhập lậu, đường tạm nhập nhưng không "tái xuất" ngày một gia tăng. Có lẽ đây mới chính là con đường để đường cát lậu tung hoành ngoài thị trường lớn nhất, khó kiểm soát nhất.

Những thiệt hại cho ngành mía đường Việt Nam

Tình hình trong nước thì khó khăn, sân chơi lớn ASEAN lại bị cạnh tranh gay gắt bởi từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế nhập khẩu đường dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn. Ngành mía đường sẽ có sân chơi chung là toàn khu vực Đông Nam Á. Mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường nước khác.

Tình hình kinh doanh khó khăn nên diện tích mía giảm cũng là điều dễ hiểu. Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự kiến niên vụ 2019 - 2020 cho biết, ngành mía đường sẽ tiếp tục suy giảm, diện tích trồng còn khoảng 220.000 ha, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn và với đà này năm nay sẽ lại là một năm khó khăn của ngành đường.

Đường nhập lậu đang bức tử ngành mía đường

Bây giờ ngành mía đường chỉ còn cách “cầu cứu”, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết triệt để tình trạng đường nhập lẩu qua các biên giới. Trong tình cảnh này, các doanh nghiệp có thể đảm bảo đời sống người nông dân, có thể giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây mía, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho nông dân thì nhà nước cũng phải bảo vệ các doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để quảng bá thương hiệu đường Việt Nam để có thể xuất khẩu, hạn chế tình trạng tồn dư sản phẩm và quan trọng nhất là lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, nông dân.

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục