Ăn, ngủ, nghỉ... cùng người chết - niềm vui nương náu của nhiều đào, kép cải lương một thời vang bóng

Châu Mỹ Thứ bảy, ngày 21/05/2022 07:32 AM (GMT+7)
Không ít người làm công quả tại chùa Nghệ sĩ (chùa Nhựt Quang), từng là nghệ sĩ nổi tiếng một thời. Bao năm nay họ vẫn thấy mình may mắn khi còn có chỗ đi về sau khi sân khấu cải lương dần lụi tàn.
Bình luận 0

Phía sau sân khấu cải lương dần lụi tàn - "Người về cởi áo lau son phấn...."

Chùa Nhật Quang (Nhật Quang Tự) là tên gọi chính thức của chùa Nghệ sĩ, nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ sân khấu trên địa bàn TP.HCM. Năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp, TP.HCM với mục đích làm nơi chôn cất cho các nghệ sĩ sau khi qua đời.

Trong thời gian nghệ sĩ Phùng Há chưa có đủ kinh phí để xây dựng, ông bầu Năm Công xin được dựng am trên đất để tu hành. Năm 1970, ông bầu Xuân của gánh hát Dạ Lý Hương bỏ ra 100 cây vàng mua lại am thờ của bầu Năm Công và xây dựng thành ngôi chùa. Từ đó, nơi đây trở thành nơi quy tập hài cốt của các nghệ sĩ sân khấu TP.HCM. Tính đến 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa có gần 600 ngôi mộ, hơn 500 lọ cốt. Ngôi chùa đã chứng kiến cuộc đời thăng trầm của biết bao nghệ sĩ sân khấu.

Chùa Nghệ sĩ - nơi nương náu của nhiều đào, kép cải lương "một thời vang bóng" - Ảnh 1.

Chùa nghệ sĩ - nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ cải lương từ nổi tiếng tới vô danh.

Những người trông coi nghĩa trang đa phần là nghệ sĩ cải lương. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận. Thời trẻ lang bạt theo các đoàn hát, cuối đời họ nương nhờ tuổi già nơi cửa Phật.

Nghệ sĩ Nhật Sinh (79 tuổi) làm bảo vệ trong chùa nghệ sĩ được gần 20 năm với phụ cấp 120 nghìn đồng mỗi tháng. Giọng ca Nhật Sinh nức tiếng một thời ở các đoàn hát Tấn Tài, Tây Ninh, Sông Bé với nhiều thể loại: hát bội, cải lương, tuồng Hồ Quảng… Ông kể, thời kỳ đỉnh cao, thù lao đi hát của ông từ 600 đến 700 nghìn đồng. "Trước 1975, có 400 nghìn đồng là cất được vài cái nhà lầu. Tôi có nhà lầu, xe hơi trước cả Minh Phụng", nghệ sĩ ngậm ngùi nhớ lại.

Giàu có, Nhật Sinh tiêu tiền không tiếc tay. Ông có nhiều vợ và người tình nhưng lần lượt từng người bỏ ông ra đi. Người thì mất vì bệnh tật, người chê gia cảnh khốn khó khi ông sa cơ. Những năm 1990, Nhật Sinh từ chỗ là trưởng đoàn hát Sông Bé trở thành người vô gia cư, hàng ngày rao bán vé số cho chính những đồng nghiệp cũ.

Sau đó ông lang bạt lên Sài Gòn, làm đủ công việc nặng nhọc trước khi xin vào làm công quả. Con trai qua đời do bệnh tật, nghệ sĩ chỉ còn một cô con gái đã lập gia đình tại tỉnh Bến Tre. Ông gom góp từng đồng tiền công quả, vừa để mua thuốc trị bệnh tim, vừa dành để cuối năm về thăm con gái, mừng tuổi cho cháu ngoại.

Chùa Nghệ sĩ - nơi nương náu của nhiều đào, kép cải lương "một thời vang bóng" - Ảnh 3.

Kép chính Nhật Sinh hồi tưởng lại quá khứ hào quang của sân khấu cải lương. Anhr: Châu Mỹ

Nhật Sinh chia sẻ, đời nghệ sĩ thăng trầm là chuyện thường, nên ông không sống bằng hào quang quá khứ, chỉ thấy đôi chút tủi thân khi đồng nghiệp cũ gặp mình ngó lơ.

Nếu như nghệ sĩ Nhật Sinh còn có gian phòng 7m2 trong chùa làm chỗ trú chân thì nghệ sĩ hài Lý Lắc (71 tuổi) đêm đêm chỉ có manh chiếu trải bên thềm chùa để ngủ. Ông là người chuyên trông coi phần mộ NSND Phùng Há với thù lao gần 400 nghìn đồng một tháng. Thời trẻ, Lý Lắc là kép hài nổi tiếng của các đoàn Minh Châu - Dạ Thảo, Út Bạch Lan, Dạ Lý Hương. Kép hề Lý Lắc được khán giả yêu cải lương miền Nam nhớ nhiều qua vai Bùi Kiệm trong tuồng Lục Vân Tiên, vai thái giám trong vở Giấc mộng phù hoa… Sau hai lần tai biến mạch máu, ba lần mổ tim và trị bệnh đau dạ dày, tiền của nghệ sĩ kiếm được từ thời vàng son tiêu tan hết.

Chùa Nghệ sĩ - nơi nương náu của nhiều đào, kép cải lương "một thời vang bóng" - Ảnh 4.

Nghệ sĩ hài Lý Lắc - ở tuổi 78 với nhiều căn bệnh trong người.

Nhớ lại quảng đời theo gánh hát của mình, Lý Lắc thở dài nói: thăng trầm và gian nan! Ông kể, năm 12, 13 tuổi, ông trốn nhà theo gánh hát và bắt đầu tham gia nghệ thuật chính thức từ năm 1960. Thời đó, ông thường vào những vai quân sĩ, hát trong các đoàn lưu diễn khắp cả nước. Đến năm 1978, ông theo đoàn Lý Dạ Hương của ông bầu Xuân. Lý Lắc có năng khiếu diễn xuất, hát hay, lại vừa có thể diễn hài… Ông có thể chọc cười khán giả chỉ bằng vài động tác, cử chỉ lý la lý lắc trên sân khấu và cũng từ đó người ta đặt cho ông nghệ danh Lý Lắc.

Năm 2008, khi đóng vai lão Cao Đài trong phim Vó ngựa trời Nam (ĐD Lê Cung Bắc) thì ông bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Ông được bầu Xuân hết lòng chạy chữa, sau đó đưa về làm công quả ở chùa Nghệ sĩ cho đến giờ.

Ở tuổi 78, không vợ con, người thân duy nhất của Lý Lắc là những người em cùng mẹ khác cha. Nghệ sĩ cho biết, ông có một chỗ ngủ trong ngôi nhà do cha dượng để lại. Do bất đồng quan điểm với các em, nhiều năm nay ông không về nhà mà coi chùa nghệ sĩ như ngôi nhà thứ hai của mình. "Khi tôi nổi tiếng, có nhiều tiền, anh em sống hòa thuận. Khi tôi bệnh tật, hết tiền, tình anh em cũng phai nhạt", nghệ sĩ Lý Lắc tâm sự.

Chùa Nghệ sĩ - nơi nương náu của nhiều đào, kép cải lương "một thời vang bóng" - Ảnh 5.

Các đào chính, kép hát, nghệ sĩ của sân khấu cải lương một thời, nay nương tựa tuổi già bên những ngôi mộ câm lặng của đồng nghiệp.

Ngoài Lý Lắc và Nhật Sinh là hai kép hát có tên tuổi, chùa nghệ sĩ còn là nơi nương tựa của nhiều vũ công đoàn hát Dạ Lý Hương khi xưa. Vũ công tên Nguyệt giờ là người nấu ăn trong chùa. Vũ công Thu Hồng hàng ngày lo đèn nhang cho các gian thờ Phật và thờ Mẫu. Hồi tưởng quá khứ, nghệ sĩ Thu Hồng bảo, khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bà là được lên hát thế mỗi khi đào chính có việc đột xuất không thể đến sân khấu.

Thời tàn của cải lương: Người sống cô độc, người chết quạnh quẽ

Nơi đây, bên cạnh những ngôi mộ bề thế, sạch sẽ, luôn có hoa tươi mỗi ngày như mộ NSND Phùng Há, mộ NS Minh Phụng, mộ diễn viên Lê Công Tuấn Anh... không thiếu những ngôi mộ hương tàn khói lạnh, thiếu bàn tay người thân chăm sóc.

Chùa Nghệ sĩ - nơi nương náu của nhiều đào, kép cải lương "một thời vang bóng" - Ảnh 6.

NSUT Mỹ Châu bên mộ soạn giả cải lương nổi tiếng Hoa Phượng

Giữa khuôn viên, thi thoảng khách tham quan bắt gặp một số ngôi mộ đã sụt lở. Ngoài cảnh hương tàn khói lạnh, không khí quạnh quẽ còn bao phủ nơi này bởi cỏ dại um tùm che kín bia mộ. Những nghệ sĩ bạc phận nằm đó, phần đông không có hoặc đã mất liên lạc với người thân. Có mộ chỉ là một nắm đất cắm lên một tấm bia nhỏ, đã bị sụt lún. Có mộ được quây vội một hàng gạch, cỏ mọc trùm kín bia mộ đã nhòe chữ...

Chùa Nghệ sĩ - nơi nương náu của nhiều đào, kép cải lương "một thời vang bóng" - Ảnh 7.

Nghệ sĩ múa Thu Hồng hoài niệm về cải lương Sài Gòn một thời vang bóng

"Tôi được dặn lại rằng họ (những ngôi mộ vô danh) khi xưa đều là những nghệ sĩ của các đoàn cải lương. Thời trẻ, bỏ nhà lang bạt theo các đoàn hát, đến khi qua đời, thế sự thay đổi, không thể liên lạc với người nhà, nên họ lặng lẽ nằm đây bao nhiêu năm, chưa một lần được người thân đến thăm", một người chăm sóc mộ phần tại chùa cho biết.

"Với những ngôi mộ quanh năm không có người thân thăm viếng, ngoài thắp hương ngày rằm, mồng một, cứ Tết đến, chúng tôi lại dọn cỏ, sơn phết một lần", bảo vệ của nghĩa trang chùa cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem