Chứng khoán Mỹ 28/2 đỏ lửa, kết thúc tuần tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008

29/02/2020 09:12 GMT+7
Chứng khoán Mỹ tiếp tục leo dốc trong phiên giao dịch 28/2, biến tuần giao dịch vừa qua trở thành tuần tồi tệ nhất của phố Wall kể từ khủng hoảng tài chính 2008 đến nay.
Chứng khoán Mỹ 28/2 đỏ lửa, kết thúc tuần tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 - Ảnh 1.

Dow Jones giảm hơn 3.500 điểm trong tuần, mức giảm tồi tệ bậc nhất lịch sử

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 357,28 điểm, tương đương hơn 1%, xuống 25.409,36 điểm. Có thời điểm trong phiên giao dịch, Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm. S & P 500 giảm 0,8% xuống 2.954,22 điểm còn Nasdaq Composite đóng cửa ở mức 8.567,37 nhưng chứng kiến mức giảm 3,5% tại một thời điểm trong ngày.

Cổ phiếu Boeing và JPMorgan Chase giảm hơn 4%. Chỉ số biến động Cboe, thước đo nỗi sợ hãi trên phố Wall đạt mức 49,48, mức cao nhất kể từ tháng 2/2018.

Kết thúc tuần, cổ phiếu Norwegian Cruise Line và American Airlines giảm hơn 20%, mức giảm mạnh nhất trong các cổ phiếu S&P 500. Cổ phiếu sòng bạc Las Vegas Sands mất hơn 10%. 

Như vậy trong tuần qua, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 12% - mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2008, trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tính theo trị giá tuyệt đối, Dow Jones mất hơn 3.500 điểm trong tuần, mức giảm tuần lớn nhất từ trước tới nay, đồng thời đưa chứng khoán Mỹ vào vùng điều chỉnh khi giảm mạnh 14,1% so với mức cao kỷ lục thiết lập hôm 12/2. 

S & P 500 mất 11,5% trong tuần, cũng là tuần tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Nasdaq mất 10,5% trong tuần và còn cách 13% so với mức cao kỷ lục.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED hôm 28/2 tuyên bố Ngân hàng Trung Ương sẽ có hành động thích hợp để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, qua đó cứu vãn phần nào mức lao dốc của thị trường chứng khoán.

Art Hogan - chiến lược gia thị trường tại National Securities nhận định: “Những gì chúng ta đối diện lúc này là nỗi quan ngại về dịch virus corona lan rộng khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu trì trệ. Chúng ta đang có một cú sốc cung. Nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ hạn chế phần nào thiệt hại nếu nền kinh tế tiếp tục đối diện với cú sốc cầu gây ra thiệt hại lớn hơn. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, cắt giảm lãi suất không chỉ không giúp ích trong bối cảnh kinh tế suy yếu, mà còn gây ra những tổn thất trong dài hạn vì nguy cơ gây tăng giá, lạm phát”. 

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực giảm hôm Thứ Sáu một phần do nhà đầu tư tiếp tục bán tháo và đổ tiền vào các tài sản an toàn như trái phiếu, vàng. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã xuống mức thấp kỷ lục mới 1,14%. 

Bên cạnh đó, những diễn biến xấu của dịch virus corona cũng gây nên nỗi hoảng loạn trên thị trường. Một nhân viên Google đã xét nghiệm dương tính với virus corona, theo thông cáo chính thức của công ty này hôm 28/3. New Zealand và Nigeria báo cáo ca nhiễm virus corona đầu tiên, trong khi Hàn Quốc xác nhận 500 ca nhiễm mới trong ngày, làm bùng lên nỗi lo khủng hoảng dịch virus corona tại quốc gia Đông Á này. Số ca nhiễm mới virus corona tại Trung Quốc chỉ tăng 327 ca, cho thấy phần nào hiệu quả kiểm dịch sau hàng loạt biện pháp phong tỏa mạnh mẽ của chính quyền.

Tính đến sáng 29/2, toàn cầu xác nhận 84.726 ca nhiễm virus corona và 2.876 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca nhiễm virus corona mới tại các quốc gia trên toàn cầu trừ Trung Quốc đã vượt quá số ca nhiễm mới gia tăng hàng ngày tại Trung Quốc - tâm chấn dịch virus corona.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục