dd/mm/yyyy

“Chuỗi an toàn thực phẩm”: Đừng để chỉ mang tính phong trào

Sau gần 3 năm triển khai, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được 377 chuỗi nông sản thực phẩm an toàn.

Song theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), xây dựng được chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đã khó, việc mở rộng các chuỗi còn khó hơn rất nhiều lần, dẫn đến nhiều nhà đầu tư không mặn mà.

Cần thiết là phải kết nối “4 nhà” thành một chuỗi liên kết khép kín về thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Cần thiết là phải kết nối “4 nhà” thành một chuỗi liên kết khép kín về thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Thiếu liên kết

Sản phẩm nông sản thiếu an toàn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh, nhức nhối tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn tạo dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước, mấu chốt là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm (ATTP).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết: Một sản phẩm muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, điều cốt yếu là phải nâng cao chất lượng. Do đó, hướng phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản Việt Nam chính là đảm bảo quy trình ATTP trong từng công đoạn, liên kết tạo thành một chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT). Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện có gần 50 địa phương trên cả nước triển khai mô hình liên kết chuỗi cung ứng TPAT, với hơn 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, TPAT đã được công nhận. Chuỗi cung ứng TPAT được kiểm soát tất cả các khâu, từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm, như: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Các công đoạn đều áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về ATTP.

Nói như vậy, tất cả là đều nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng thế nhưng vì sao người dân vẫn không mặn mà? Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2 (Nafiqad) là do nhiều trường hợp vi phạm, sản xuất thực phẩm bẩn chưa bị xử phạt nghiêm, thông tin vi phạm chưa được công khai khiến cho tính răn đe các cơ sở sai phạm còn yếu. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chi tiền cho sản xuất nông nghiệp mang nhiều rủi ro, chi phí lớn, quay vòng vốn chậm nên không mấy mặn mà. Đặc biệt là tình trạng các hộ sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Các dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết giữa sản phẩm đã được kiểm soát và sản phẩm chưa được kiểm soát còn chưa nhiều”, ông Thuận nhấn mạnh.

Một trong những vướng mắc hiện nay chính là nhiều vùng nguyên liệu sạch gặp khó khi tham gia chuỗi TPAT khi kết nối giữa các DN còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm, DN chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Chính vì thế, sản phẩm nông dân làm ra dù an toàn, nhưng trong khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đảm bảo, khiến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng chưa đạt chất lượng theo tiêu chí. Vì thế, điều cần thiết là phải kết nối “4 nhà” thành một chuỗi liên kết khép kín về thực phẩm sạch cho người dân trong nước.

Đừng để trở thành hình thức

Việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tạo ra những sản phẩm “sạch” cung cấp cho người tiêu dùng. Tuy vậy, đại đa số người tiêu dùng bỏ tiền mua thực phẩm sạch với giá cao hơn bình thường vẫn băn khoăn với câu hỏi liệu chất lượng thực phẩm có tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra hay không? Sản phẩm đã được chứng nhận an toàn có thực sự an toàn hay vẫn bị trà trộn thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường vào?

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Để giải đáp những băn khoăn này, không cách nào khác chính là mỗi địa phương phải dồn trọng tâm, trọng điểm vào xử lý vi phạm ATTP và thông tin, hỗ trợ TPAT đến người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ với các cơ sở kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hội thảo, tổ chức kết nối giữa các DN trong tỉnh và với các tỉnh khác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn cần được chú trọng và đẩy mạnh, ông Tám chia sẻ.

Trên thực tế, nhiều chủ DN cho rằng: Xây dựng và phát triển các chuỗi TPAT là một giải pháp có tính đột phá và đảm bảo bền vững để quản lý tốt chất lượng ATTP, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng. Nhưng để xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, đầu tư lớn tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng và tổ chức sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, nhưng giá bán sản phẩm chỉ ngang với giá thị trường sẽ là bất công với những DN xây dựng chuỗi an toàn. Bên cạnh đó, nếu như người tiêu dùng không thay đổi thói quen tương thích với tiến bộ khoa học kỹ thuật, không tiếp cận tri thức tiêu dùng hiện đại thì khi ấy nguy cơ làm chuỗi an toàn sẽ chỉ là hình thức và mang tính phong trào mà thôi.

Lâm Viên