Chuối Tuyên Quang chậm đường xuất khẩu

24/03/2020 06:26 GMT+7
Dịch covid-19 đã ngăn cản con đường xuất khẩu nông sản nước ta sang nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Và chuối tây Tuyên Quang cũng không phải ngoại lệ. Với giá thành giảm 5 lần, chỉ còn 2.000 đồng/kg nhưng nhiều nông dân chấp nhận bỏ vườn vì không có người mua.

Xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, Tỉnh Tuyên Quang vốn nổi danh với nghề trồng chuối. Với giống tốt và sản phẩm chất lượng cao, chuối tây đã được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc với giá bình quân 4.000 đồng/kg, cao điểm là 9.000 đồng/kg. Ngoài xuất khẩu chuối, người dân Trung Trực còn chế biến rượu chuối và chuối khô. Hàng năm xã thu gần 1,5 tỷ đồng từ sản phẩm chuối.

Chuối Tuyên Quang chậm đường xuất khẩu - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm chế biến từ chuối được thị trường đón nhận

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, việc xuất khẩu hàng hóa đi Trung Quốc bị ngưng trệ, hàng nghìn hộ dân trồng chuối trong tỉnh rơi vào cảnh lao đao. Gia đình anh Đào Văn Xuân, thôn 4, xã Trung Trực trồng 4 ha chuối. Những vụ trước, chuối có giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, mỗi tháng trừ chi phí anh thu lãi 15 triệu đồng. Riêng 3 tháng đầu năm anh thu lãi hơn 20 triệu đồng/tháng. Thế nhưng năm nay ảnh hưởng của dịch, chuối rớt giá, chỉ còn 2.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua.

Chuối Tuyên Quang chậm đường xuất khẩu - Ảnh 2.

Giá rớt thảm nhưng vẫn không có người mua

Anh Xuân cho biết, nhiều diện tích quả chuối đã đến lúc được thu hoạch, nhưng giá quá thấp. Trừ công thuê người thu hoạch, vận chuyển người trồng không còn lãi nên nhiều diện tích trên đồi cao anh đành để chín thối. Hiện anh đã phá khoảng 2 ha chuối để chuyển sang trồng rừng.

Giống như ở Trung Trực, nhiều hộ trồng chuối ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn cũng khó khăn vì chuối rớt giá không tiêu thụ được. Toàn xã có gần 60 ha chuối, tập trung nhiều nhất tại các thôn Đồng Tày, Đô Thượng, Vông Vàng 2. Người dân trồng chuối xuất chủ yếu sang Trung Quốc. Hiện nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chủ yếu tiêu thụ trong nước, vì thế nhiều hộ trồng chuối gặp không ít khó khăn.

Gia đình ông Đặng Văn Thuận, thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết trồng chuối từ 2011. Đến nay diện tích chuối của gia  đình ông là 3 ha. Ông Thuận cho biết, so với ngô và cây lâm nghiệp, cây chuối tây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Trồng chuối tây ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, không phải đầu tư phân bón, cho thu hoạch quanh năm. Với 3 ha chuối, mỗi năm thu hoạch khoảng 36 tấn quả, giá bán trung bình 4 triệu đồng/tấn, gia đình ông có thu nhập trên 140 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi có dịch tới nay, việc kinh doanh buôn bán ảm đạm hẳn. Thương lái tới mua thì ít mà chuối trên đồi cứ chín dần, không bõ tiền công thuê khi giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, ông đành để chín thối.

Chuối Tuyên Quang chậm đường xuất khẩu - Ảnh 3.

Nhiều người chấp nhận để chuối rụng ngoài vườn vì không bán được

Anh Nguyễn Như Hoàn, thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn làm nghề trồng và thu mua chuối hơn 10 năm nay. Các hàng quán tại cửa khẩu Tân Thanh hay Thanh Thủy đều có dấu chân anh. Vào mùa thu hoạch, anh thường đến các xã Kiến Thiết, Kim Bình, Trung Trực, Xuân Vân thu mua. Trung bình mỗi ngày anh thu mua hơn 20 tấn chuối chuyển lên biên giới. Nhưng từ ngày cửa khẩu hạn chế thông quan, xuất nhập khẩu nông sản đình trệ, công việc làm ăn của anh cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nặng nề. Từ 20 tấn, hiện tại mỗi ngày anh thu mua chỉ khoảng 1 tấn, thậm chí có ngày không đến. Hơn 20 ha chuối tây của gia đình anh đang đứng trước nguy cơ vứt bỏ nếu như thị trường tháng 4 không khởi sắc.

Chuối Tuyên Quang chậm đường xuất khẩu - Ảnh 4.

Sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với tháng trước Tết

Theo những thương lái chuyên kinh doanh chuối thì thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Hai cửa khẩu chính được thông thương vận chuyển là cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang)

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.100 ha chuối. Cây chuối tập trung nhiều nhất ở Chiêm Hóa với 1.044 ha, huyện Yên Sơn 338 ha, huyện Sơn Dương 343 ha. Phần lớn các giống được trồng là giống chuối bản địa. Nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và thị trường Trung Quốc tiếp tục thu mua nhỏ giọt, nhiều hộ dân sẽ rơi vào cảnh "mất trắng".

Mai Trang
Cùng chuyên mục