Bêu tên 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép là việc "xưa nay hiếm"?

An Linh Thứ bảy, ngày 13/08/2022 16:02 PM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, các chuyên gia kinh tế, học giả trong nước tán đồng quan điểm xử lý nghiêm minh các trường hợp xử phạt vi phạm của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Bình luận 0

07 đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép, 11 doanh nghiệp bị phạt 1,7 tỷ đồng

GS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính khẳng định: "Quan điểm của tôi là phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển xăng dầu theo hướng thị trường hoá thì cần dũng cảm với những vi phạm. Không bao che, dung túng cho hành vi xâm hại lợi ích của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội".

Chuyên gia: Đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép, bêu tên vi phạm là việc "xưa nay hiếm"! - Ảnh 1.

Ông Thịnh cho rằng, các sai phạm của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều được cụ thể hoá các các quy định của Nghị định, hơn ai hết doanh nghiệp phải nằm lòng các quy định này để không vướng phải. Bộ Công Thương, cơ quan quản lý về cung ứng xăng dầu trao cơ chế cho doanh nghiệp tự chủ, nhưng các doanh nghiệp cố tình trục lợi, không làm đúng chức trách. Lằn ranh pháp luật cần phải được thực thi đúng lúc để răn đe những trường hợp khác hoặc các hành vi sau này.

Về trường hợp 7 doanh nghiệp bị tước quyền xuất nhập khẩu xăng dầu trong từ 1 đến 2 tháng, có lo ngại thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ ở địa phương hay không? ông Thịnh cho biết: "Các doanh nghiệp xăng dầu dù lớn, nhỏ đều ảnh hưởng lớn đến cung ứng và thị trường. Việc một hoặc vài doanh nghiệp không hoạt động có thể ảnh hưởng nhưng không phải quá lo lắng".

"Thị trường ắt có điều tiết, doanh nghiệp này không nhập thì có doanh nghiệp khác. Vi phạm phải xử lý, răn đe để tránh tái phạm hoặc cấu kết trục lợi. Hiện nay, thị trường xăng dầu vận động theo hướng thị trường, chúng ta không quá lo ngại chuyên gia nhập hoặc doanh nghiệp này mất đi sẽ gây tổn hại thị trường. Hoàn toàn có thể cấm, thậm chí chấm dứt kinh doanh doanh nghiệp xăng dầu nếu họ không đáp ứng được yêu cầu của đất nước, sử dụng nhiều chiêu trò nhằm trục lợi, gây tổn hại đến đất nước, người dân", ông Thịnh nhấn mạnh.

GS Thịnh khẳng định: "Doanh nghiệp sợ nhất là bị bêu tên vi phạm, tước các quyền của mình. Việc làm của Bộ Công Thương sau khi thanh kiểm tra doanh nghiệp rõ ràng chỉ ra sai phạm của họ ở đâu, chỗ nào và có hình thức răn đe cả doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ lẫn doanh nghiệp tư nhân khác. Tôi cho việc làm này là xưa nay hiếm và cần được khuyến khích, nhân rộng để cho xã hội minh bạch. Thiếu xăng cục bộ thì phải do ai, lỗi ở đâu và dư luận đã nhận được câu trả lời".

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Việc Bộ Công Thương công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép do thiếu một số điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Điều đó cho thấy, sự minh bạch của Bộ Công Thương trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và công tác điều hành của cơ quan này.

Ông Doanh khẳng định, việc này khuyến khích các doanh nghiệp xăng dầu trong nước kinh doanh một cách nghiêm túc và thị trường xăng dầu ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. 

"Những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị "loại" khỏi thị trường, còn doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ tiếp tục được hoạt động", ông Doanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Doanh, việc đưa 07 doanh nghiệp đều mối vào diện tước giấy phép, 11 doanh nghiệp vi phạm hành chính bị xử phạt, công bố hàng loạt tên doanh nghiệp xăng dầu vi phạm các quy định nào… cho thấy Bộ chủ quản không có sự phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc Bộ hay không thuộc Bộ, điều này đáng được hoan nghênh.

Trước đó, thực hiện các Quyết định thanh tra số 188, 189 và 192/QĐ-BCT ngày 15/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu, các Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra đối với 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại địa bàn các tỉnh, thành phố với thời kỳ thanh tra từ 01/01/2021 đến 11/02/2022.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu mà các đối tượng thanh tra; hồ sơ, tài liệu của các đơn vị, cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu cung cấp, qua quá trình thanh tra, các Trưởng đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng thanh tra và thực hiện chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt, bao gồm các hành vi vi phạm chủ yếu: "Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định"; "Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định"; "Không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định"; "Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm"; "Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối"; "Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định"...

Ngoài ra, là các hành vi "Bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân mà không thuộc trường hợp bán cho thương nhân đầu mối khác, thương nhân phân phối xăng dầu, đơn vị trực tiếp sản xuất và bán trực tiếp cho người tiêu dùng"; "Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác"... Tất cả các vi phạm trên đã được cụ thể hoá trong các Quyết định, Nghị định số 99/2022 ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem